Khói bụi từ xe cộ, nhà máy và hoạt động đốt củi có thể ngăn cản sự hình thành mưa ở những khu miền núi khô cằn, đe dọa các nguồn nước quan trọng, một nghiên cứu mới đây cho thấy.
Bụi khí quyển có thể phản chiếu ánh sáng mặt trời ngược trở lại vũ trụ, khiến cho không gian bên dưới chúng lạnh đi. Bên cạnh đó, bụi có thể làm đảo lộn quá trình hình thành mây và mưa.
Vì việc đo nồng độ bụi mới chỉ được tiến hành đều đặn trong thời gian gần đây nên các nhà khoa học không thể chứng minh cụ thể những tác động của chúng đối với sự hình thành các cơn mưa. Dịp may đến khi một nhóm chuyên gia tại Đại học The Hebrew, Jerusalem (Israel), phát hiện ra rằng cơ quan khí tượng thủy văn Trung Quốc có đầy đủ dữ liệu khí tượng về một dãy núi có tên Hua ở miền trung nước này từ những năm 50. Họ chọn dãy núi này làm nơi nghiên cứu.
Sự hình thành mây
Các đám mây hình thành phía trên các ngọn núi khi không khí bị đẩy lên phía trên một bên núi và lạnh đi, khiến cho nước bốc hơi ngưng tụ. Khi không khí chuyển động xuống phía khác của núi, nó trở nên ấm hơn và các đám mây bốc hơi.
|
Lượng mưa ở các đỉnh núi đã giảm 20% trong nửa thế kỷ. (Ảnh: Evgenidinev) |
Hơi nước tạo thành giọt trong mây bằng cách ngưng tụ xung quanh các hạt bụi. Những giọt nước va chạm với nhau cho tới khi chúng tạo thành giọt lớn hơn và cuối cùng trở nên đủ nặng để rơi xuống thành mưa.
Hàng năm, chỉ có một khối lượng nước nhất định bốc hơi vào không khí. Vì thế, khi lượng bụi trong khí quyển tăng lên (hậu quả của tình trạng ô nhiễm) thì lượng nước ngưng tụ xung quanh mỗi phân tử bụi sẽ giảm đi, trong khi thời gian để chúng va chạm với nhau để tạo thành giọt lớn hơn tăng lên.
Tác động của tình trạng ô nhiễm khí quyển Vì thời gian tồn tại của mây là tương đối ngắn, hơn nữa chúng lại bốc hơi ngay khi bay xuống phía dưới núi, nên những giọt nước nhỏ sẽ bốc hơi trước khi chúng trở thành mưa.
Rosenfeld và cộng sư đã tìm ra cách lượng hóa tác động của bụi với sự hình thành mưa. Theo họ, tầm nhìn càng gần (do nhiều bụi trong khí quyển) thì lượng mưa càng giảm. Dữ liệu của cơ quan khí tượng thủy văn Trung Quốc cho thấy, lượng mưa ở dãy núi được chọn làm nơi nghiên cứu đã giảm 20% trong vòng 50 năm qua.
Nước mưa từ núi là nguồn cung cấp nước chính cho các con sông. Khi tình trạng ô nhiễm không khi trở nên trầm trọng, sự hình thành mưa sẽ trở nên khó khăn hơn, khiến cho số lượng nguồn nước cung cấp cho sông, suối giảm đi, Rosenfeld nhận định
Việt Linh