Trong hội thảo khoa học về tác động của ô nhiễm không khí ngày 23/5, các nhà chuyên môn đã báo động ô nhiễm không khí ở TP.HCM rất đáng lo ngại, đặc biệt là xu hướng gia tăng nồng độ các chất độc hại trong không khí như benzen, nitơ ôxyt...
Theo nhận định của thạc sĩ Lê Văn Khoa - chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM - về bức tranh toàn cảnh ô nhiễm không khí tại TP.HCM thì nồng độ một số chất ô nhiễm đều vượt tiêu chuẩn cho phép đối với chất lượng không khí xung quanh (dân cư) lẫn chất lượng không khí ven đường.
Ông Khoa nhấn mạnh đối với chất lượng không khí xung quanh khu dân cư nồng độ bụi đặc trưng PM10 (kích thước hạt bụi nhỏ hơn 10 micrômet) có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Có khu vực nồng độ PM10 đạt hơn 80 micrôgam/m3, trong khi tiêu chuẩn cho phép thấp hơn con số này nhiều lần.
(Theo tiêu chuẩn Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ) |
Tương tự, tiêu chuẩn về ôxyt lưu huỳnh (SO2), qua kết quả quan trắc cũng cho thấy nồng độ chất ô nhiễm này tuy chưa vượt tiêu chuẩn cho phép nhưng lại có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Một số nơi ở TP.HCM, nồng độ SO2 lên đến khoảng 30 micrôgam/m3.
Song, theo các nhà chuyên môn, điều cần đặc biệt quan tâm là nồng độ các chất ô nhiễm cực kỳ độc hại hiện đang ở mức cao. Thạc sĩ Lê Văn Khoa cho biết năm 2005 là năm đầu tiên TP.HCM bắt đầu quan trắc nồng độ benzen hiện diện trong không khí tại nhiều khu vực của thành phố.
Theo đó, kết quả quan trắc tại sáu điểm cho thấy nồng độ benzen ghi nhận được có nơi đạt 35-40 micrôgam/m3, trong khi theo tiêu chuẩn của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ thì nồng độ cho phép chỉ 10 micrôgam/m3 (hiện VN chưa có tiêu chuẩn về chất độc hại này trong không khí).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Khoa giải thích nồng độ benzen trong không khí cao là do xăng dầu và hoạt động của các loại phương tiện giao thông gây nên. Trong sáu điểm quan trắc đo nồng độ benzen tại TP.HCM thì khu vực ngã tư Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng, quận 3, quận 5... có nhiều nhất.
“Với giá trị nồng độ benzen trong không khí tại TP.HCM quan trắc được cho thấy ô nhiễm chất độc hại này đã đến mức đáng báo động” - ông Khoa nhấn mạnh, trong khi đây là chất được liên tục cảnh báo có khả năng gây ung thư cao.
Nhiều loại bệnh gia tăng
Bác sĩ Hà Mạnh Tuấn - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - cũng lên tiếng: các bệnh viêm phổi, viêm tai giữa, suyễn... là những bệnh có liên quan đến ô nhiễm không khí đang có xu hướng tăng.
Bác sĩ Tuấn cho biết các quận 8, 11, Tân Bình, huyện Bình Chánh,... chiếm tỷ lệ bệnh cao (trên 6% trong tổng số bệnh đường hô hấp đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1), nhưng trong đó cao nhất là quận Tân Bình - chiếm tỷ lệ trên 16% trong tổng số ca bệnh.
Ống khói và lò đốt rác liên quan tới ô nhiễm không khí (Ảnh: fizyka.phys) |
Phân tích các con số thống kê này, các nhà chuyên môn cho rằng những khu vực đông dân cư, mật độ giao thông cao, đặc biệt là hoạt động công nghiệp ồ ạt... là những nơi có số người mắc bệnh đường hô hấp chiếm tỷ lệ cao, thậm chí một số khu vực rất cao.
Trong khi đó, TS.BS Huỳnh Tấn Tiến - Giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động môi trường TP.HCM - cho biết năm 2005 trung tâm đã phát hiện hơn 300 mẫu bụi và 58 mẫu hóa chất vượt tiêu chuẩn cho phép, có thể gây bệnh nghề nghiệp tại các xí nghiệp ngành da giày, hóa chất cao su, mỹ phẩm…
Ông Tiến lưu ý môi trường tại các nhà máy thuốc lá và khu vực xung quanh nhà máy cần được quan tâm thích đáng, bởi hoạt động của ngành này tích tụ nhiều loại hóa chất độc hại khác nhau... “Bệnh nghề nghiệp do ô nhiễm không khí còn khá cao và có những bệnh để lại di chứng suốt đời rất khó điều trị” - ông Tiến cảnh báo.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Đinh Tuấn - Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường TP.HCM - cho rằng mục tiêu của chương trình giảm thiểu ô nhiễm không khí phải đến 2010 mới có thể kéo nồng độ bụi, các chất ô nhiễm độc hại như ôxyt lưu huỳnh, ôxyt cacbon... xuống mức tiêu chuẩn.
Ông Tuấn cũng thẳng thắn phê bình việc kiểm định tiêu chuẩn về môi trường đối với xe cộ ở nước ta còn nhiều sai sót, trong khi việc kiểm tra, xử phạt các phương tiện giao thông vi phạm tiêu chuẩn môi trường hầu như chưa thực hiện; việc cải thiện chất lượng nhiên liệu chủ yếu chỉ mới dừng lại ở việc loại bỏ xăng pha chì...
Ngoài ra, ông Tuấn cũng nhìn nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường còn nặng tính hình thức. Hoạt động bắt buộc này đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ hoạt động tốt đến giai đoạn thẩm định, còn khâu hậu kiểm hầu như bị thả nổi.