Phân biệt đá làm từ nước đun sôi và chưa đun sôi

  •  
  • 345

Màu sắc, độ trong, thời gian tan chảy… là những dấu hiệu giúp bạn phân biệt đá làm từ nước đun sôi và chưa đun sôi.

Khác với loại nước đá để ướp lạnh thực phẩm, nước đá dùng cho các loại đồ uống như sinh tố, nước ép, bia... đòi hỏi rất cao về chất lượng nước, nhất là về vi sinh. Để đảm bảo an toàn, nhiều người chỉ muốn sử dụng loại đá làm từ nước đã diệt khuẩn bằng nhiệt; tuy nhiên làm thế nào để phân biệt đá làm từ nước đun sôi và chưa đun sôi thì không phải ai cũng biết.

Đá được làm từ nước đun sôi trong veo, còn đá làm từ nước chưa đun sôi kém trong hơnĐá được làm từ nước đun sôi thường trong veo, còn đá làm từ nước chưa đun sôi kém trong hơn. (Ảnh:  Memphis Ice Machine Company)

Theo Scienceabc, dù không khác biệt nhiều về cảm quan nhưng nếu để ý kỹ, có thể phân biệt đá làm từ nước đun sôi và chưa đun sôi một cách tương đối qua các dấu hiệu dưới đây:

Màu sắc và độ trong của viên đá

Đá được làm từ nước đun sôi khi đông cứng lại sẽ có màu sắc rõ ràng, thường trong suốt và mịn. Đó là do nước đun sôi đã được loại bỏ các bọt khí và một số tạp chất trong quá trình đun. Còn nếu sử dụng nước đun sôi hai lần để làm đá thì thành phẩm bạn nhận được là những viên đá trong veo, không vởn đục.

 Đá làm từ nước đun sôi do loại bỏ được bọt khí và tạp chất nên thường trong veo.
Đá làm từ nước đun sôi do loại bỏ được bọt khí và tạp chất nên thường trong veo. (Ảnh: Facts).

Còn đá được làm từ nước chưa đun sôi thường có màu trắng đục do còn chứa nhiều tạp chất. Mặc dù các tạp chất hòa tan trong nước không thể nhìn thấy được nhưng khi đông đá, chúng tụ lại làm cho các viên đá bị đục.

“Tạp chất” không phải lúc nào cũng có nghĩa là vi trùng, vi khuẩn. Bất cứ thứ gì không phải nước hiện diện ở trong nước đều có thể coi là tạp chất. Nước chưa đun sôi chứa rất nhiều tạp chất nhưng hầu hết chúng đều không gây hại cho chúng ta. Trên thực tế, một số chất trong đó (ví dụ như canxi và magie) thực sự có lợi cho sức khỏe . Nhiều tạp chất khác nhau cũng tạo ra mùi vị đặc trưng của nước.

Các tạp chất phổ biến nhất được tìm thấy trong nước chưa đun sôi bao gồm cặn canxi, florua, nitrat, magie và một số nguyên tố hữu cơ khác không thể loại bỏ bằng các phương pháp lọc thông thường. Khi nước đông đá, các tạp chất vốn phân bố đều trong nước có xu hướng tụ tập ở gần giữa, khiến các viên đá có màu trắng đục ở giữa.

 Đá làm từ nước chưa đun sôi thường đục hơn do có nhiều tạp chất trong nước.
Đá làm từ nước chưa đun sôi thường đục hơn do có nhiều tạp chất trong nước. (Ảnh: Wikipedia.org).

Lưu ý rằng đá viên làm từ nước cất có xu hướng trong hơn vì nước cất (hoặc thậm chí nước đun sôi) không có nhiều tạp chất như nước máy.

Độ hòa tan

Ngoài việc dựa vào màu sắc và độ trong của viên đá, chúng ta có thể phân biệt đá làm từ nước đun sôi và chưa đun sôi bằng độ hòa tan của nó. Nghe có vẻ phức tạp nhưng thật ra điều này lại rất dễ dàng.

Đá làm từ nước đun sôi do đã được loại bỏ bọt khí và các tạp chất nên cấu trúc chắc chắn hơn, giữ lạnh lâu hơn, dẫn tới khó tan hơn rõ rệt. Khi đá tan hết, bạn sẽ thấy nước trong như nước khoáng.

Còn đá được làm từ nước chưa đun sôi do nhiều tạp chất nên liên kết lỏng lẻo hơn, tan nhanh hơn. Sau khi tan hết, nước sẽ có vẩn đục và nhìn thấy rõ cặn.

Tóm lại, nước đun sôi tạo ra những viên đá trong suốt, trong khi nước chưa đun sôi tạo ra những viên đá đục hơn. Đây là dấu hiệu rõ rệt nhất giúp phân biệt đá làm từ nước đun sôi và chưa đun sôi.

Cập nhật: 25/01/2024 VTC
  • 345