Pháp: vi phạm bản quyền sẽ bị cấm lướt web

  •  
  • 52

Bất kỳ người dân Pháp nào bị phát hiện tàng trữ chia sẻ trái phép phim ảnh và âm nhạc vi phạm bản quyền sẽ bị cấm không được tiếp tục sử dụng Internet. Đây là nội dung thoả thuận mới đạt được giữa nhà cung cấp dịch vụ mạng, hãng phim âm nhạc và chính phủ Pháp.

Cũng theo bản thoả thuận này, các bên phối hợp thành lập một cơ quan chống vi phạm bản quyền mới. Cơ quan này dự kiến sẽ được trao khá nhiều quyền lực nhằm giúp đấu tranh mạnh hơn với nạn vi phạm bản quyền nội dung số.

Bản thoả thuận được khởi xướng bởi một uỷ ban đặc biệt của chính phủ Pháp được thành lập với mục tiêu đánh giá chi tiết các vấn đề liên quan đến mạng Internet và bảo vệ giá trị văn hoá.

Các bên tham gia bản thoả thuận cho biết thoả thuận nói trên nhắm kiềm chế trực tiếp nạn vi phạm bản quyền diễn ra trong đời sống hàng ngày chứ không tập trung đánh vào các nhóm vi phạm bản quyền lớn có tổ chức.

Ông Denis Olivennes - Chủ tịch uỷ ban đặc biệt nói trên - khẳng định hình phạt hiện tại cho hành vi vi phạm bản quyền - như phạt tiền hoặc tù - chưa phù hợp để áp dụng với các đối tượng trẻ tuổi độc lập chia sẻ nội dung bất hợp pháp.

Theo nội dung của bản thoả thuận, các nhà cung cấp dịch vụ Internet sẽ giám sát chặt chẽ khách hàng. Mọi thông tin liên quan chia sẻ nội dung số sẽ chuyển giao cho cơ quan chống vi phạm bản quyền mới được thành lập.

Những đối tượng bị phát hiện chia sẻ nội dung vi phạm bản quyền bước đầu được cảnh báo yêu cầu ngừng ngay việc chia sẻ bất hợp pháp đó. Nếu vẫn tiếp tục chia sẻ bất hợp pháp đường truyền kết nối Internet của họ sẽ bị cắt.

Đổi lại các hãng sản xuất phim đồng ý tăng tốc độ phát hành đĩa DVD các bộ phim đã được xuất xưởng chiếu rạp. Trong khi đó, các hãng thu âm cam kết nhanh chóng cắt bỏ cơ chế bảo vệ bản quyền DRM cho nhạc số bán trên các cửa hàng trực tuyến.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khẳng định bản thoả thuận là “một bước đi có tính chất quyết định nhằm hướng tới xây dựng một hệ thống mạng văn minh hiện đại”.

Hiệp hội ngành công nghiệp thu âm thế giới (IFPI) cũng đánh giá rất cao bản thoả thuận. Trong một tuyên bố mới đây hiệp hội khẳng định bản thoả thuận là một sáng kiến quan trọng giúp mang chiến thắng trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền trực tuyến về tay nhà sản xuất nội dung.

Trong khi đó, tổ chức vì người tiêu dùng Pháp UFC Que Choisir lại tỏ ra lo ngại và khẳng định bản thoả thuận cứng rắn sẽ ảnh hưởng tới sự tự do và quyền được bảo vệ tính riêng tư của người dùng Internet.

T.Dũng

Theo BBC, TTO
  • 52