Ung thư trong quá khứ được cho là do ứ đọng, dư thừa mật vàng. Nhiều bác sĩ cổ đại chữa trị bằng cách đốt bộ phận bị bệnh hoặc cắt bỏ cơ quan ung thư.
Hiện nay, ung thư trở thành căn bệnh nguy hiểm và không có phương pháp điều trị dứt điểm. Các nhà nghiên cứu lật lại lịch sử và thấy rằng ở thời cổ đại, nhiều bằng chứng hóa thạch người thể hiện những tế bào ung thư lâu đời nhất đã xuất hiện từ thời Ai Cập và Hy Lạp cổ đại.
Theo tài liệu của Hiệp hội Ung thư Mỹ, con người và động vật đã bị ung thư rất lâu trong quá khứ. Bằng chứng sớm nhất về ung thư được tìm thấy trong khối u xương hóa thạch của một xác ướp 1,6-1,8 triệu năm trước, tại một hang động ở Nam Phi.
Tế bào ung thư trong hóa thạch xương ngón chân trái 1,6 - 1,8 triệu năm tuổi. (Ảnh: Patrick Randolph-Quinney, UCLAN).
Tuy nhiên, số lượng những tế bào ung thư cổ xưa như vậy được tìm thấy cũng rất hiếm. Năm 2016, nhóm nghiên cứu của giáo sư Michael Zimmerman (Đại học Villanova ở Pennsylvania, Mỹ) đã thực hiện phân tích hàng trăm xác ướp ở Ai Cập.
Trong số đó, chỉ có một trường hợp ung thư được xác nhận. Đó là tế bào ung thư đại trực tràng. Các thí nghiệm này cho thấy việc ướp xác không phá hủy bằng chứng về khối u ác tính. Do đó, tỷ lệ người cổ xưa mắc ung thư rất ít.
Bệnh nhân mắc ung thư đầu tiên trên thế giới được mô tả trong tài liệu giấy cói Edwin Smith Paccorus ghi lại. Trường hợp này đã xảy ra cách đây 3.000 năm trước Công nguyên. Đó là 8 trường hợp mắc ung thư vú.
Tờ giấy cói có niên đại 1.500 năm trước Công nguyên miêu tả một số khối u liên quan đến da, tử cung, dạ dày và trực tràng.
Những tài liệu cũ của Ai Cập cho thấy người cổ đại coi ung thư là một căn bệnh nan y và liên quan đến “lời nguyền của các vị thần”.
Niềm tin này tiếp tục được duy trì, ngay cả Hippocrates (460-370 trước Công nguyên), người đã đưa ra lý thuyết khoa học sớm nhất về ung thư cũng chấp nhận nguyên nhân đó. Ông còn được xem là cha đẻ của y học và là người thầy thuốc vĩ đại nhất lịch sử thời Hy Lạp cổ đại.
Hippocrates đưa ra giả thuyết rằng căn bệnh này có liên quan đến sự dư thừa của mật đen. Ông tin rằng ung thư và rộng hơn là bất kỳ căn bệnh nào, sẽ phát triển khi mất cân bằng 4 yếu tố máu, đờm, mật vàng, mật đen trong cơ thể. Nếu mật đen ứ đọng, xâm chiếm các bộ phận, bệnh ung thư sẽ phát triển.
Từ ung thư cũng do bác sĩ Hy Lạp Hippocrates đặt tên. Thời cổ đại, nó có tên gọi là "Karkinos".
Hippocrates sử dụng thuật ngữ carcinos và carcinoma để mô tả các khối u sưng tấy và loét ra. Trong tiếng Hy Lạp, những từ này còn có hàm ý chỉ con cua.
Sau đó, bác sĩ La Mã, Celsus (28-50 trước Công nguyên), đã dịch lại từ gốc Hy Lạp sang tiếng Latin là cancer (cũng có nghĩa là con cua, cung Cự Giải).
Sự phát triển của y học và công nghệ cho phép trí tuệ nhân tạo AI đọc quang tuyến vú, phát hiện ung thư. (Ảnh: NY Times).
Người Ai Cập cổ đại đã viết về nhiều phép thuật mà họ đã sử dụng để điều trị những bệnh tương tự như ung thư. Chúng đều là những phương pháp gây đau đớn.
Với ung thư cổ tử cung, họ đập vỡ một viên đá trong nước, ngâm nó qua đêm sau đó đặt vào âm đạo người bệnh. Hay một cách làm khác cũng phổ biến không kém là “hun trùng”. Bệnh nhân phải ngồi lên một đốm lửa hoặc vật gì đó đang cháy.
Điều này được cho là giết chết các tế bào gây bệnh. Tuy nhiên, theo giáo sư Rosalie David (Đại học Manchester, Anh), những ghi chép không chỉ đích xác những căn bệnh mà họ mắc phải là ung thư, nhóm nghiên cứu chỉ xác định gián tiếp thông qua mô tả về biểu hiện bệnh.
Người Hy Lạp cổ đại sớm đã sử dụng phương pháp cắt bỏ khối u ở vú để chữa ung thư vú. Và họ cũng nhận ra căn bệnh này có thể tái phát và lan sang các bộ phận khác.
Chính vì vậy, các bác sĩ Hy Lạp đề xuất loại độc dược chiết xuất từ thực vật để tiêu diệt tế bào ung thư ở những khu vực lân cận. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào ghi lại kết quả của cách làm này. Không rõ đề xuất có được thực hiện hay không.
Từ năm 500-1.500 sau Công nguyên, có rất ít tiến bộ trong việc hiểu về ung thư. Sau đó, đến thế kỷ XVI, nhà giải phẫu học Andreas Vesalius và một số y bác sĩ khác đã chứng minh không có sự tồn tại của mật đen.
Tiếp đến, bác sĩ Paracelsus nghiên cứu các khối u của công nhân mỏ và cho rằng ung thư là do sự tích tụ của lưu huỳnh và muối asen trong máu. Đây là những kết luận đầu tiên cho thấy mối liên hệ giữa môi trường sống và bệnh ung thư.
Mãi đến cuối thế kỷ XIX, y học mới nhận ra các tế bào, thậm chí là tế bào ung thư, có nguồn gốc từ các tế bào khác. Từ đó, 6 giả thuyết khác về nguyên nhân gây ung thư xuất hiện như chấn thương, ký sinh trùng,... Sau đó, bác sĩ phẫu thuật người Đức, Karl Thiersch kết luận rằng ung thư lây lan qua các tế bào ác tính.