Phát hiện cánh cổng giả dành cho người chết ở những ngôi mộ Ai Cập cổ đại

  •  
  • 1.571

Các nhà khảo cổ tuyên bố phát hiện mới nhất tại một nghĩa địa Ai Cập cổ rộng lớn là ba cánh cửa giả dùng làm cổng giao tiếp với người chết. Khám phá này có niên đại từ thời đầu Trung đại hỗn loạn của Ai Cập, khoảng từ năm 2160 đến 2055 trước Công nguyên - Giai đoạn vẫn được cho là một thời đại hỗn loạn vì máu đổ và các cuộc tranh giành quyền lực nhưng có rất ít chứng cứ khảo cổ chứng minh được.

Ngoài những cánh cổng giả, nhóm khảo cổ người Tây Ban Nha tìm thấy hai bàn tế dùng trong đám tang và một ngôi mộ mới thuộc thủ đô cũ của Ai Cập – Herakleopolis – ngày nay có tên Ả Rập là Ihnasya el-Medina, cách Cairo khoảng 96 km về phía nam.

Các cuộc khai quật trước đã tìm thấy những ngôi mộ bị đốt một cách có chủ ý và bị cướp phá đồ cổ nhưng các chuyên gia vẫn chưa chắc chắn liệu tổn thất đó do các đội quân xâm lược hay những tên cướp mộ gây ra. Phát hiện trên cùng công trình nghiên cứu mới của nhóm về tàn tích hóa than có thể đưa ra những thông tin mới về thời kỳ ít thông tin này.

Công trình khai quật những ngôi mộ này phát hiện ra 3 cánh cửa giả, bao gồm một cánh cửa khắc tên Khety của hoàng tộc, có nhiệm vụ làm cánh cổng giao tiếp với người chết. (Ảnh: National geographic)

Theo trưởng nhóm khảo cổ - Carmen Pérez Díe, Bảo tàng Khảo cổ quốc gia ở Madrid, Tây Ban Nha thì nghĩa trang “là một khu vực rất rộng lớn thuộc một thị trấn rất quan trọng ở Ai Cập, nhưng còn rất nhiều những điều chúng ta chưa biết. Bất cứ phát hiện nào ở địa điểm này đều quan trọng và tôi cho rằng phát hiện của chúng tôi có thể viết nên một trang mới trong lịch sử Ai Cập.”

Cánh cửa tâm linh

Ihnasya el-Medina phổ biến giữa những sử gia với cái tên Herakleopolis Magna, là nơi cư trú của triều đại thứ 9 và 10. Những vị vua cai quản các vùng của đất nước khá lỏng lẻo sau khi Cựu quốc của Ai Cập suy tàn. Các nhà cầm quyền từ Thebes cuối cùng cũng đánh bại Herakleopolitans và thiết lập nên quốc gia miền Trung, nhưng chi tiết về các trận chiến và chuyển giao quyền lực rất hiếm hoi.

Emily Teeter, nghiên cứu viên thuộc Viện nghiên cứu phương Đông, Đại học Chicago cho biết: “Thực sự gần như không có thông tin nào cả.” Chính vì vậy, những khám phá như ba cánh cửa giả sẽ là một hy vọng khả quan cho các nhà Ai Cập học đói thông tin về nghệ thuật và văn hóa về thời kỳ này.

Theo Salima Ikram, giảng viên Ai Cập học tại Đại học Mỹ ở Cairo, những con đường đầy tính biểu tượng là nét phổ biến của phần lớn những ngôi mộ Ai Cập cổ.

Những cánh cổng hình chữ nhật thực chất không có đường ra, được xây để cho người chết trở về từ thế giới bên kia và tận hưởng những món quà đặt trên bàn tế lễ gần đó. Ikram cho biết: "Cửa giả là nơi bạn thiết lập sự tiếp xúc giữa người sống và người chết. nó thực sự là cánh cổng cho linh hồn ra vào thế giới bên kia. Mọi người mong muốn rằng bạn có thể chào người chết, và người đã khuất đến ăn uống, nói chuyện, lắng nghe những ước nguyện của bạn và sau đó trở về thế giới của họ.”

Bia và rượu là một trong những quà cúng tế được ưa chuộng.

Những cánh cửa giả mới được phát hiện nằm cách vị trí nguyên thủy của họ, có khả năng bị đẩy vào bên trong quá trình phá hủy nền chôn cất.

Trưởng nhóm khảo cổ Pérez Díe cho biết, những cánh cửa sa thạch được chạm khắc dòng chữ tôn giáo với tên là tước hiệu của những người nằm trong mộ. Chúng được sơn xanh - đỏ và mang một loạt hình ảnh cánh cửa đục lõm, một loại hình trang trí trên những cánh cửa giả. Chúng cũng ghi lại cách thức của những buổi tế lễ.

Pérez Díe phát biểu: “Những hình vẽ này thực sự rất đẹp” và cũng nói thêm rằng có thể những cánh cửa thuộc về những thầy tu tầng lớp cao và thành viên của hoàng tộc “khá thân cận với vua”. Ít nhất một trong những cánh cửa giả được khắc tên Khety – tên giống như những vì vua thuộc triều đại thứ 9 và 10 – vì những viên chức thường cho rằng tên hoàng tộc là một dấu hiệu của hoàng gia.

Những vụ hỏa hoạn liên tiếp

Nhóm khảo cổ hy vọng tìm hiểu sự sụp đổ của Herakleopolis bằng cách nghiên cứu những bằng chứng từ tàn tích của nghĩa trang.

Một số ít tài liệu viết còn lại từ thời đại này miêu tả một giai đoạn hỗn độn và thối nát, nhưng các nhà Ai Cập học tìm được rất ít các chứng cứ khảo cổ tương ứng với câu chuyện trên. Những gì họ biết là quyền lực của các pharaoh Cựu quốc ở Memphis đã bị thu hẹp vào khoảng năm 2160 trước Công nguyên, và một số thành phố nhỏ hơn trở nên quyền lực hơn và tranh giành quyền lực.

Những ngôi mộ có tường làm từ gạch bùn trong nghĩa trang Herakleopolis Magna của Ai Cập cổ bị đốt có chủ ý trong giai đoạn hỗn độn Đầu Trung đại, khoảng từ năm 2160 đến năm 2055 trước Công nguyên, một giai đoạn ít được sử sách ghi nhận. (Ảnh: National geographic)

Herakleopolis trở thành thành phố có ảnh hưởng lớn nhất và chiếm quyền kiểm soát đến phía bắc Ai Cập trong khoảng 100 năm. Tuy nhiên, ở miền nam, những nhà cầm quyền ở Thebes là lực lượng hùng mạnh nhất. Hai thế lực này đã tiến hành những trận chiến liên tiếp. Những vị vua ở Thebes chiến thắng, thống nhất Ai Cập và hướng đất nước vào một thời kỳ thịnh vượng.

Teeter cho biết: “Chúng tôi biết rằng Thebes đã chiến thắng, nhưng không biết việc đó diễn ra như thế nào ngoài một số văn tự kể về những trận chiến giữa hai bên.”

Ikram cho rằng: “Tất cả những gì xảy đến cho nghĩa trang này đều có sức hút vì nó có thể cung cấp thông tin về mối quan hệ giữa miền nam và miền bắc.” Đặc biệt, các học giả hy vọng sẽ giải thích được câu hỏi liệu đội quân Thebes đã đốt thành phố hay nó bị phá hủy sau này bởi những tên trộm.

Pérez Díe và cộng sự đã kiểm tra những vết cháy trên các ngôi mộ, hy vọng sẽ tìm ra vụ cháy xảy ra từ bao giờ và nguyên nhân, thậm chí ai là người phóng hỏa. Pérez Díe nói: “Chúng tôi muốn biết liệu đây là một vụ cháy lớn hay gồm nhiều vụ cháy nhỏ hơn. Nếu chúng tôi dựng lại những ngôi mộ từ đống đổ nát và nghiên cứu những vết cháy, chúng tôi có thể bắt đầu giải thích điều gì đã xảy ra.”

Nhóm nghiên cứu quan sát nhiều vệt màu của những bức tường gạch bùn bị cháy bao xung quanh những ngôi mộ để xác định nhiệt độ của ngọn lửa. Nhiệt độ cao khiến các viên gạch chuyển sang màu đỏ còn nhiệt độ thấp hơn có màu vàng hoặc đen. Cho đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia kết luận rằng một số ngôi mộ tránh được cảnh bị cháy - có nghĩa là một loạt những vụ hỏa hoạn – chứ không phải một vụ cháy kinh hoàng – gây ra sự hư hại.

Chứng cứ trên ủng hộ cho giả thiết là những băng đảng trộm cướp đã gây ra sự hủy hoại này. Ikram cho biết: “Tôi không cho rằng chính những vị vua của Thebes đã đốt nghĩa trang, mặc dù đây cũng là một khả năng. Những vụ cháy có thể là do những tên trộm tiến vào hầm mộ, đốt mọi thứ để lấy được vàng.”

Tuệ Minh (Theo National Geographic)
  • 1.571