Phát hiện chữ viết cổ nhất châu Mỹ

  •   3,52
  • 1.149

Các nền văn minh cổ đại ở Mexico đã phát triển một hệ thống chữ viết từ cách đây 2.000 năm. Phát hiện tại bang Veracruz về một tảng đá khắc các hình biểu tượng đã làm các nhà nhân chủng học phải ngạc nhiên. Theo họ, đây là bằng chứng về chữ viết cổ xưa nhất ở Tân Thế giới.

Phiến đá có từ thiên niên kỷ đầu tiên trước Công nguyên. Nó được tạo ra bởi nền văn minh Olmec ở Trung Mỹ, khu vực nằm ở giữa thung lũng Sinaloa ở bắc Mexico và Vịnh Fonseca ở miền nam El Salvador. Nơi đây là nhà của người Aztec, Maya và tổ tiên của họ.

Người Olmec xuất hiện trên vịnh Mexico vào khoảng năm 1200 trước Công nguyên. Họ được biết đến với những hình khắc trang trí gồm các chữ viết hay ký hiệu tượng trưng cho chữ cái, âm thanh hoặc từ ngữ, từ khoảng năm 900 trước Công nguyên. Nhưng các học giả vẫn chưa rõ đây có được coi là chữ viết thực thụ hay không.

Phiến đá mang tên "Cascajal block", được phát hiện lần đầu tiên tại Cascajal vào cuối những năm 1990. Tấm đá nặng 12 kg và có kích thước 36x21x13 cm. Chữ viết bao gồm 62 ký hiệu, một số được lặp lại tới 4 lần. Tảng đá đã được một nhóm các nhà khảo cổ quốc tế nghiên cứu đầu năm nay.

Phiến đá Cascajal block bao gồm 62 ký hiệu cổ
Phiến đá Cascajal block bao gồm 62 ký hiệu cổ. (Ảnh: AP)

Nhóm cho biết những ký tự này khớp với mọi tiêu chuẩn của chữ viết bởi các yếu tố rõ ràng, mô hình sắp xếp và trật tự đọc.

"Tôi cho rằng đây là một phát hiện vô cùng quan trọng. Nó đã cung cấp bằng chứng rằng người Olmec đã sáng tạo ra chữ viết đầu tiên", Mary Pohl, tại Đại học Florida ở Tallahassee, Mỹ, nhận định.

Tấm bảng được khắc từ đá serpentine quý hiếm, chứng tỏ đây là vật linh thiêng được sử dụng cho các mục đích nghi lễ. Chữ viết vẫn chưa được giải mã nhưng các nhà khoa học hy vọng những cuộc khai quật tiếp theo sẽ tìm ra đầu mối cho nội dung của tấm bảng.

M.T

Theo BBC, Vnexpress
  • 3,52
  • 1.149