Mới đây, các nhà khoa học Australia đã xác định được một gen mang tên "Dock8" có chức năng điều khiển cơ thể phản ứng với vắcxin.
Đây là phát hiện quan trọng góp phần tăng hiệu quả tiêm phòng vắcxin cũng như cải thiện việc điều trị sau các ca cấy ghép, tăng cường sự tự miễn dịch và chống dị ứng.
Chuyên gia về miễn dịch lâm sàng tại Đại học Canberra, tiến sĩ Katrina Randall, cho rằng các nghiên cứu trước đây đã chứng minh tiêm chủng có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật, song cơ chế hoạt động của nó như thế nào đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Một số người đã gặp phải vấn đề khi cơ thể không có phản ứng thích hợp đối với vắcxin. Do đó, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên những con chuột biến đổi gen.
Kết quả cho thấy những con chuột này phản ứng rất tốt sau khi tiêm phòng lần đầu và tạo ra các kháng thể. Tuy nhiên, vài tuần sau đó khi kiểm tra lại, các kháng thể này đã hoàn toàn biến mất. Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện sự đột biến gen "Dock8" là nguyên nhân gây ra hiện tượng trên.
Tiến sĩ Randall cho biết ở những con chuột bình thường, vắcxin sẽ tương tác với các tế bào máu trắng gọi là tế bào B (tế bào miễn dịch) để tạo ra kháng thể để phát triển thành một đội quân bảo vệ.
Tuy nhiên, sự biến đổi gen "Dock8" đã ngăn chặn quá trình tương tác trên.
Giới chuyên gia cho rằng nghiên cứu này sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu và điều chế các loại vắcxin hiệu quả hơn, đặc biệt đối với những người cơ thể không thể tạo được phản ứng miễn dịch đối với vắcxin./.