Phát hiện lỗ đen siêu lớn đang phun vật chất

  •   4,45
  • 5.329

Các nhà khoa học sử dụng kính thiên văn Chandra X-ray của NASA vừa phát hiện một lỗ đen siêu lớn ở trung tâm một thiên hà lân cận.

Lỗ đen này dường như đang "phun" vật chất ra, sau khi đã hút hết các vật chất gần nó. Hiện tượng này có thể đã góp phần hình thành vũ trụ thuở sơ khai.

Kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học vừa được trình bày tại cuộc họp của Hội Thiên văn học Mỹ (AAS) tại Florida ngày 5/1, và được đăng tải trên Tạp chí Vật lý học thiên thể (Astrophysical Journal) gần đây.

Theo nghiên cứu này, các nhà khoa học phát hiện lỗ đen đang phun ra hai luồng khí và vật chất sáng rực, ở gần trung tâm của thiên hà NGC 5195, một thiên hà nhỏ nằm cách thiên hà của chúng ta (dải Ngân Hà) khoảng 27 năm ánh sáng. Thiên hà này đang trong quá trình sáp nhập với một thiên hà khác, có tên là NGC 5194, tạo ra một hình xoắn ốc lớn trong vũ trụ.

Ảnh mô phỏng hai lỗ đen đang sáp nhập với nhau, cả hai phun ra những luồng vật chất sáng rực.
Ảnh mô phỏng hai lỗ đen đang sáp nhập với nhau, cả hai phun ra những luồng vật chất sáng rực. (Nguồn: NASA).

Nhà thiên văn học Eric Schlegel ở trường Đại học Texas (Mỹ) cho biết tại cuộc họp của AAS: "Chúng tôi cho rằng điều này xảy ra rất thường xuyên trong vũ trụ thời sơ khai. Khi đó các thiên hà "chen chúc" ở mật độ cao, nên chúng thường xuyên va chạm và bạn sẽ thấy những luồng khí phun ra như thế này".

Ông Schlegel cho biết, những luồng sáng này được tạo ra từ các vật chất đã bị văng ra trong quá trình sáp nhập của hai thiên hà.

Trong một nghiên cứu có liên quan, các nhà khoa học cũng đã phát hiện một lỗ đen siêu lớn mà các ngôi sao bao quanh nó có thể đang bị một lỗ đen đồng hành thu hút. Cặp đôi lỗ đen này, nằm cách Hệ Mặt Trời khoảng 1 tỷ năm ánh sáng, nằm trong thiên hà SDSS J1126 + 2944.

Cặp lỗ đen hiếm có này (thuộc một trong 12 thiên hà được biết đến là chứa hai lỗ đen siêu lớn) rất có thể là kết quả của hai thiên hà sáp nhập với nhau, nhà vật lý thiên văn Julie Comerford ở trường Đại học Colorado, Boulder, cho biết tại hội nghị AAS.

Các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu tại sao một lỗ đen trong "cặp đôi" này có số lượng ngôi sao xung quanh nó ít hơn tới 500 lần so với người bạn đồng hành.

Lỗ đen (hay hố đen) là một vùng trong không gian vũ trụ mà sức hút của nó ngăn cản mọi thứ, kể cả ánh sáng cũng không thể thoát ra. Thuyết tương đối rộng cho rằng, một lượng vật chất với khối lượng đủ lớn nằm trong phạm vi đủ nhỏ sẽ làm biến dạng không-thời gian để trở thành lỗ đen. Theo lý thuyết, lỗ đen có thể hình thành từ sự suy sụp của những ngôi sao có khối lượng rất lớn trong giai đoạn cuối của chúng. Sau khi hình thành, lỗ đen tiếp tục thu hút vật chất từ không gian xung quanh, và khối lượng của nó tăng dần lên theo thời gian.

Cập nhật: 08/01/2016 Theo tgvn
  • 4,45
  • 5.329