Phát hiện loài bọ ngựa mới cực lớn ở vùng núi Trường Sơn, Việt Nam

  •  
  • 1.679

Bọ ngựa được nhóm các nhà khoa học quốc tế tìm thấy ở vùng núi Trường Sơn có kích thước lớn, thân hình khỏe mạnh đặc trưng của khu vực nhiệt đới.

Kết quả vừa được Hiệp hội Côn trùng Hoàng gia Bỉ (Bỉ) công bố trên tạp chí chuyên ngành Belgian Journal of Entomology.

Loài bọ ngựa mới được phát hiện tại Việt Nam
Loài bọ ngựa mới được phát hiện tại Việt Nam - (Ảnh: Belgian Journal of Entomology).

Theo Daily Mail, nhóm nghiên cứu mô tả loài bọ ngựa này "cực lớn và khỏe mạnh". Tổng chiều dài của con đực khoảng 99,6mm, trong khi con cái lớn hơn đôi chút, khoảng 102,2mm.

Đầu bọ ngựa hình tam giác, hai chiếc râu trên đầu vươn cao, lưng dài và khỏe, phần bụng và cánh rộng phẳng. Ngoài ra, trên một số chi của bọ ngựa này có vài đốm đen nhỏ.

Các nhà khoa học đặt tên cho bọ ngựa là Titanodula attenboroughi, theo tên của nhà tự nhiên học người Anh David Attenborough.

Từng làm việc cho Đài BBC, Attenborough sản xuất nhiều chương trình về lịch sử và khám phá tự nhiên. Đỉnh cao là loạt phim Sự sống trên Trái đất (Life on Earth, 1979), đưa khán giả tới những vùng đất thiên nhiên tuyệt đẹp qua góc nhìn chân thực và gần gũi.

Các bộ phận của loài bọ ngựa mới ở Việt Nam
Các bộ phận của loài bọ ngựa mới ở Việt Nam - (Ảnh: Belgian Journal of Entomology)

Titanodula attenboroughi thuộc chi Titanodula, là tập hợp các loài bọ ngựa kích thước lớn. Chữ "Titan" trong "Titanodula" lấy từ tên thần khổng lồ Titan của thần thoại Hi Lạp, chỉ sự to lớn.

Hiện nay, ngoài Titanodula attenboroughi vừa được công bố, chi bọ ngựa lớn Titanodula còn có các loài Titanodula formosana (phát hiện năm 1912), Titanodula fruhstorferi (phát hiện năm 1916) và Titanodula grandis (phát hiện năm 1870).

Các loài trên thường tập trung ở Bangladesh, miền nam Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam.

Riêng ở Việt Nam, Titanodula attenboroughi được ghi nhận ở khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (Gia Lai) và khu bảo tồn thiên nhiên Đa Krông (Quảng Trị).

Các loài khác trong chi Titanodula có mặt tại một số vùng núi thuộc Tây Nguyên và Bắc Bộ.

Trước đó, tháng 5-2020, các nhà côn trùng học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học tự nhiên Hoàng gia Bỉ cũng đã công bố phát hiện một loài cánh cứng và hai loài ve sầu mới tại Việt Nam.

Cập nhật: 07/08/2020 Theo Tuổi Trẻ
  • 1.679