Phát hiện loài cóc độc mới phát sáng dưới tia UV

  •  
  • 133

Các nhà sinh vật học Brazil báo cáo phát hiện một loài cóc tí hon tuyệt đẹp chưa từng được biết tới trên dãy núi Mantiqueira.

Theo mô tả trên tạp chí Plos One hôm 28/4, sinh vật mới được đặt tên là cóc bí ngô (Brachycephalus rotenberga) đặc trưng bởi một màu vàng cam rực rỡ bao phủ gần như toàn bộ cơ thể. Nó dài chưa tới 2,5 cm và sống trong các khu rừng oi bức dọc bờ biển Đại Tây Dương của Brazil.

Mẫu vật B. rotenberga trong tư thế phòng thủ được tìm thấy trên dãy Mantiqueira.
Mẫu vật B. rotenberga trong tư thế phòng thủ được tìm thấy trên dãy Mantiqueira. (Ảnh: Edelcio Muscat).

Giống như hầu hết các loài trong chi Brachycephalus, làn da sáng của cóc bí ngô có thể tiết ra chất độc thần kinh là tetrodotoxin. Con người có thể bị nhiễm độc nếu ăn thịt chúng hoặc để vết thương hở tiếp xúc với da của sinh vật. Tuy nhiên, tổn thương là không quá nghiêm trọng.

Ngoài việc sở hữu nọc độc, loài lưỡng cư tuyệt đẹp này còn có khả năng phát sáng xanh dưới tia UV. Sự phát quang bắt nguồn từ các mảng xương trên hộp sọ và lưng của chúng, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ cơ chế và mục đích của hiện tượng.

Cóc bí ngô phát sáng màu xanh lá cây dưới tia UV
Cóc bí ngô phát sáng màu xanh lá cây dưới tia UV. (Ảnh: Edelcio Muscat).

Tác giả chính của nghiên cứu Ivan Nunes, Giáo sư Khoa Sinh học và Môi trường tại Đại học bang São Paulo của Brazil, ước tính chỉ có khoảng vài trăm con cóc bí ngô phân bố rải rác trong các khu bảo tồn. Chúng chưa bị coi là có nguy cơ tuyệt chủng nhưng suy thoái môi trường sống có thể đe dọa quần thể loài trong tương lai.

Trong giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, Nunes cùng các cộng sự muốn tìm kiếm và theo dõi thêm các mẫu vật B. rotenberga để hiểu rõ hơn về hành vi sinh sản và kiếm ăn của chúng. Điều này có thể giúp ích cho các nỗ lực bảo tồn.

Cập nhật: 03/05/2021 Theo VnExpress
  • 133