Phát hiện loài hà ăn đá và tiết ra cát dưới sông Philippines

  •   4,52
  • 2.091

Loài hà mới chuyên đục đá vôi thay vì gỗ như họ hàng và tiết ra cát, gây bất ngờ cho nhóm nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu liên kết với một số viện ở Mỹ phát hiện và nhận dạng loài hà ăn đá vôi thay vì gỗ như những loài cùng họ. Trong nghiên cứu xuất bản hôm 19/6 trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, nhóm tác giả mô tả về loài hai mảnh vỏ và những gì họ tìm thấy.

Hà đục gỗ là họ động vật thân mềm hai mảnh vỏ sống dưới nước, nổi tiếng với hành vi ăn và tiêu hóa gỗ. Chúng thu hút nhiều sự chú ý trong suốt thời kỳ hoàng kim của tàu gỗ. Những con hà nhỏ đục lỗ trên thân tàu, đôi khi khiến tàu không thể hạ thủy. Hà đục gỗ cũng phá hủy các bến tàu và công trình bằng gỗ sử dụng dưới nước khác.

Chúng có màu trắng và trông giống giun hơn động vật thân mềm.
Chúng có màu trắng và trông giống giun hơn động vật thân mềm.

Theo nhóm nghiên cứu, loài hà đục gỗ mới được trông thấy lần đầu tiên vào năm 2006 trên một con sông ở Philippines, nhưng gần đây mới được nghiên cứu cẩn thận. Sau khi thu thập mẫu vật bằng cách đập vỡ những khối đá nơi chúng trú ngụ, các nhà nghiên cứu đặt chúng vào bể nước trong phòng thí nghiệm. Con hà khá nhỏ, chỉ dài 150mm. Chúng có màu trắng và trông giống giun hơn động vật thân mềm. Chúng sở hữu hàm răng lớn và phẳng hơn, phù hợp hơn để đục đá.

Hà đục đá cũng không có túi để tiêu hóa gỗ như họ hàng. Nhóm nghiên cứu cho rằng khác biệt về đặc điểm cơ thể chỉ ra hà đục đá chắc chắn không tiến hóa từ những họ hàng ăn gỗ mà tách ra từ cách đây rất lâu. Nhóm nghiên cứu cũng quan sát chúng ăn đá vôi và tiết ra cát sau đó.

Các nhà nghiên cứu chưa thể xác định động cơ dẫn tới hành vi ăn đá của loài vật, nhưng suy đoán việc này không có bất kỳ giá trị dinh dưỡng nào. Họ nghi ngờ chúng thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng nhờ vi khuẩn sống ký sinh và không loại trừ khả năng chúng hút thức ăn bằng vòi.

Cập nhật: 21/06/2019 Theo VNE
  • 4,52
  • 2.091