Con sứa Deepstartia xuất hiện dưới đáy biển gần đảo Baker chỉ là một trong vài chục cá thể được quan sát thấy trong 50 năm qua.
Tàu nghiên cứu Nautilus trong chuyến thám hiểm hồi đầu tháng 9 đã bắt gặp một con sứa Deepstartia ở độ sâu 790m dưới đáy Thái Bình Dương, phía tây nam đảo Baker. Đây là một trong những loài sứa hiếm nhất và ít được nghiên cứu nhất trên Trái Đất khi chỉ được quan sát thấy vài chục lần trong nửa thế kỷ qua.
Sứa Deepstartia sử dụng cấu trúc cơ thể giống như chiếc chuông để hút thức ăn vào bên trong.
Khác với hầu hết các loài trong lớp Sứa, Deepstartia không có xúc tu để bắt mồi mà thay vào đó, chúng sử dụng cấu trúc cơ thể giống như chiếc chuông để hút thức ăn vào bên trong. Loài sứa trong suốt này sở hữu một mạng lưới đường ống phức tạp kết nối với dạ dạy ở phần "đỉnh chuông", có vai trò phân phối chất dinh dưỡng tới toàn bộ cơ thể.
Những cảnh quay được ghi lại còn cho thấy một con Isopoda màu đỏ tươi (thuộc nhóm động vật giáp xác) đang trú ẩn bên trong cơ thể của sứa Deepstartia. Nhóm nghiên cứu cho biết đã quan sát thấy nhiều trường hợp tương tự nhưng chưa chắc chắn liệu đây có phải mối quan hệ cộng sinh hay không.
Sứa Deepstaria đến nay vẫn là một bí ẩn do có rất ít mẫu vật được nghiên cứu. Phát hiện mới của tàu Nautilus có ý nghĩa rất quan trọng vì giúp bổ sung dữ liệu về loài. Các nhà khoa học hy vọng có thể phát hiện thêm các cá thể Deepstaria trong những chuyến thám hiểm biển sâu tiếp theo kéo dài đến tháng 10.
Sứa Deepstartia được phát hiện dưới đáy Thái Bình Dương. (Video: Nautilus Live).