Phát hiện lượng hạt nhân khổng lồ tích trữ trong các dòng sông băng của Trái đất

  •   52
  • 2.729

Nghiên cứu gần đây nhất được trình bày tại Đại hội đồng Liên minh khoa học địa chất châu Âu năm nay cho thấy các mảnh vụn phóng xạ lưu trữ trong dòng sông băng thực sự có thể trở thành một quả bom hẹn giờ.

Diện tích các dòng sông băng của Trái đất đang thu nhỏ một cách nhanh chóng. Nghiên cứu gần đây cho thấy tốc độ tan chảy băng hà cao hơn 18% so với dự đoán trước đây và gấp 5 lần tốc độ của nó trong những năm 1960.

Hiện tượng này gây rất nhiều hệ lụy: phá hủy nơi sinh sống của gấu bắc cực; khiến mực nước biển dâng cao; biến đổi khí hậu theo chiều hướng xấu; và làm các căn bệnh cổ xưa tái xuất hiện.

Và bây giờ, sự tan chảy sông băng đã xuất hiện một vấn đề nữa khiến chúng ta phải lo lắng. Đó là một lượng lớn bụi hạt nhân bị chôn vùi trong tảng băng khổng lồ của Trái đất. “Tảng băng trôi phóng xạ” nghe như một âm mưu tinh ranh ẩn sau thảm họa địa cầu trong bộ phim Geostorm. Chưa hết, nghiên cứu gần đây nhất được trình bày tại Đại hội đồng Liên minh khoa học địa chất châu Âu năm nay cho thấy các mảnh vụn phóng xạ lưu trữ trong dòng sông băng thực sự có thể trở thành một quả bom hẹn giờ.

Lượng cryoconite trên sông băng có thể tích lũy phóng xạ đến mức tiềm tàng nguy hiểm.
Lượng cryoconite trên sông băng có thể tích lũy phóng xạ đến mức tiềm tàng nguy hiểm.

Nhà nghiên cứu chính, Caroline Clason, từ Đại học Plymouth, cho biết: “Các nghiên cứu trước đây về các vụ tai nạn hạt nhân chỉ tập trung vào các tác động của chúng lên sức khỏe của con người và hệ sinh thái ở các khu vực không bị đóng băng. Nhưng bằng chứng cho thấy lượng cryoconite trên sông băng có thể tích lũy phóng xạ đến mức tiềm tàng nguy hiểm”.

Đây là lần đầu tiên nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế bắt tay vào phân tích hàm lượng hạt nhân của các dòng sông băng ở Bắc Cực và Nam Cực; đồng thời tại dãy núi Alps, dãy núi Kavkaz, British Columbia và Iceland. Mức độ chất phóng xạ nhân tạo được khảo sát ở 17 địa điểm. Kết quả là nồng độ chất phóng xạ ở băng hà trung bình cao gấp 10 lần (hoặc hơn) so với các vị trí không phải băng hà.

Lời giải thích cho kết quả này đó là sự phát tán của các hạt phóng xạ sau các thảm họa hạt nhân như Chernobyl hoặc Fukushima. Những hạt này nhẹ và có thể bay rất xa.

Thông thường, chúng trở lại mặt đất dưới dạng mưa axit, nơi chúng có thể được hấp thụ vào đất hoặc được thực vật tiêu thụ. Do đó, nồng độ phóng xạ cao hơn ở những nơi như Chernobyl và Fukushima. Đồng thời, tỷ lệ ung thư, tỷ lệ vô sinh tăng và xuất hiện sự tồn tại của loài lợn phóng xạ. Tuy nhiên, một phần hạt này sẽ bay đến các cực, nơi chúng rơi xuống dưới dạng tuyết, rơi trên băng, tạo các trầm tích nặng và tích tụ ở nồng độ dày đặc hơn.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích thành phần hạt nhân ở sông băng. Và họ không chỉ tìm thấy bụi hạt nhân từ thảm họa Chernobyl và Fukushima, mà họ còn tìm thấy vật liệu từ nhiều thập kỷ thử nghiệm vũ khí hạt nhân khác.

Bà Clason cho biết: "Chúng tôi đang nói về thử nghiệm vũ khí từ những năm 1950 và 1960 trở đi, thời kỳ phát triển bom và các vũ khí nặng".

Mặc dù nghiên cứu cho thấy rằng chất phóng xạ trong chuỗi thực phẩm chắc chắn không tốt cho chúng ta, nhưng nhóm nghiên cứu vẫn chưa rõ sự hiện diện của bụi phóng xạ hạt nhân này có ý nghĩa gì. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tìm ra tác động của nó.

Bà Clason nói: "Nồng độ các hạt nhân phóng xạ rất cao đã được tìm thấy trong một số nghiên cứu thực địa gần đây, nhưng chúng ta vẫn chưa biết tác động chính xác của chúng. Chúng tôi đang bắt tay vào hợp tác để giải quyết vấn đề này. Vì rõ ràng, đây là 1 vấn đề rất nghiêm trọng đối với môi trường thân cận và cộng đồng ở hạ nguồn. Ta cần phải tìm thấy bất kỳ mối đe dọa vô hình nào mà họ có thể gặp phải trong tương lai".

Cập nhật: 02/05/2019 Theo Trí Thức Trẻ
  • 52
  • 2.729