Các nhà khoa học ở Đại học Houston xác định tàn tích mảng kiến tạo biến mất cách đây 40 triệu năm, hiện nằm ở độ sâu hàng trăm kilomet bên dưới vùng Yukon.
Sự tồn tại của mảng kiến tạo mang tên "Resurrection" từ lâu vẫn là đề tài gây tranh cãi trong lĩnh vực địa chất học. Mảng kiến tạo là những mảnh lớn của vỏ Trái đất thường xuyên dịch chuyển chậm rãi. Khu vực nơi các mảng kiến tạo giao nhau thường có nhiều hoạt động địa chấn và núi lửa. Giới nghiên cứu địa chất biết rằng có hai mảng kiến tạo mang tên Kula và Farallon ở đầu Đại Tân sinh (66 triệu năm trước) ở Thái Bình Dương ngoài khơi vùng ven biển phía tây Bắc Mỹ.
Vị trí của mảng kiến tạo Resurrection cách đây 60 triệu năm. (Ảnh: Đại học Houston).
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mảng kiến tạo thứ ba là Resurrection có thể từng tồn tại cùng với Kula và Farallon trong một thời gian trước khi chìm xuống dưới bề mặt Trái đất từ 40 đến 60 triệu năm trước trong quá trình "hút chìm". Khi Resurrection trượt xuống dưới mảng kiến tạo Bắc Mỹ chứa phần lớn Bắc Mỹ ngày nay cùng với Greenland, phía bắc Caribe, Siberia, Iceland, và quần đảo Azores, nó có thể bị chảy và biến dạng do nhiệt độ cực hạn ở trong lòng Trái đất và giảm đáng kể về kích thước.
Nhóm nghiên cứu ở Đại học Houston cho biết họ tìm thấy mảnh vỡ lớn của vỏ Trái đất, là tàn tích của Resurrection. Đầu tiên, họ phân tích ảnh chụp địa thế lớp phủ, nhằm xem xét cấu tạo bên trong Trái đất ở dưới Bắc Mỹ. Phân tích này hé lộ có một khối đá nằm ở độ sâu 402 - 595 km bên dưới Yukon. Họ đặt tên cho nó là "phiến Yukon Slab".
Sau đó, nhóm nghiên cứu sử dụng kỹ thuật lập mô hình máy tính gọi là "slab unfolding" để phục dựng hình dáng của các mảng kiến tạo bị hút chìm trong khu vực. Cách tiếp cận này hé lộ phiến Yukon rất khớp với hình dáng giả thuyết của mảng kiến tạo Resurrection ở đầu Đại Tân sinh. "Chúng tôi có bằng chứng trực tiếp cho thấy mảng kiến tạo Resurrection tồn tại", Spencer Fuston, đồng tác giả nghiên cứu ở Đại học Houston, cho biết. Fuston và đồng nghiệp công bố kết quả nghiên cứu hôm 19/10 trên tạp chí Geological Society of America Bulletin.
Nhóm nghiên cứu cho rằng phát hiện mới có thể cải thiện khả năng dự đoán nguy cơ núi lửa trong vùng và nhận dạng những mỏ khoáng sản tiềm năng, đồng thời tăng thêm hiểu biết về khía hậu Trái đất. "Núi lửa hình thành ở ranh giới mảng kiến tạo. Càng có nhiều mảng kiến tạo, càng nhiều núi lửa hoạt động. Núi lửa cũng ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu", Jonny Wu, thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ.