Phát hiện mảnh vỡ lớn nhất từ thảm họa tàu con thoi Challenger

  •  
  • 155

Mảnh vỡ lớn nhất từ tàu con thoi Challenger của NASA được phát hiện ở đáy biển gần khu vực Tam giác Bermuda bởi một đoàn làm phim tài liệu.

Các nhà làm phim của chương trình tài liệu "The Bermuda Triangle: Into Cursed Waters" trên kênh History phát hiện mảnh vỡ trong lúc tìm kiếm xác máy bay rơi trong Thế chiến II, Space hôm 10/11 đưa tin. NASA xác nhận đây là mảnh vỡ của tàu Challenger dựa trên cấu trúc hiện đại của vật thể và sự tồn tại của tấm chắn nhiệt cỡ 20cm. Bộ phận này của tàu Challenger được phát hiện ngoài khơi vùng biển Space Coast của Florida, phía tây bắc Tam giác Bermuda.

 Các thợ lặn kiểm tra mảnh vỡ của tàu con thoi Challenger.
Các thợ lặn kiểm tra mảnh vỡ của tàu con thoi Challenger. (Ảnh: History)

Ngày 28/1/1986, tàu con thoi Challenger phát nổ 73 giây trong lần phóng thứ 25 sau khi van bịt ở một trong hai động cơ tên lửa nhiên liệu rắn của phương tiện bị hỏng. Phi hành đoàn STS-51L của NASA, bao gồm chỉ huy Francis "Dick" Scobee, phi công Mike Smith, chuyên gia nhiệm vụ Ron McNair, Ellison Onizuka và Judy Resnik, chuyên gia khối hàng Greg Jarvis và giáo viên thiệt mạng trong tai nạn.

Một cuộc tìm kiếm và trục vớt quy mô lớn được tổ chức sau thảm kịch. Đây là hoạt động tìm kiếm trục vớt lớn nhất vào thời đó do Hải quân và Lực lượng tuần duyên Mỹ tiến hành. Hoạt động quy tụ hàng nghìn người, 16 tàu trên mặt nước, một tàu ngầm nghiên cứu sử dụng năng lượng hạt nhân, một số tàu ngầm có người lái và tự động kiểm tra 1.666 km2 đáy biển ở độ sâu từ 3 đến 365 m.

Sau 7 tháng, 167 mảnh vỡ của tàu con thoi, nặng tổng cộng 118 tấn, được thu hồi. Sau khi phân tìm để tìm hiểu nguyên nhân gây ra sự cố, các mảnh vỡ được xếp vào hai thùng chứa ở tổ hợp 31 và 32 của Trạm lực lượng không gian Cape Canaveral, mỗi thùng sâu 24 m và có đường kính 4 m. Bộ đôi thùng chứa không phải nơi chôn hay tưởng niệm tàu Challenger mà đóng vai trò như kho lưu trữ.

Phát hiện của đoàn làm phim là mảnh vỡ lớn đầu tiên từ thảm họa STS-51L trong hơn 25 năm. "Khi xem lại thước phim mà đoàn làm phim cung cấp, chúng tôi có thể thấy một bộ phận khoảng 4,5 x 4,5 m. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy vật thể đâm sâu xuống lớp cát, vì vậy kích thước thực của nó rất khó xác định ở thời điểm này. Nhưng tôi tin chắc đây là một trong những mảnh vỡ lớn nhất từng được tìm thấy của tàu Challenger", Mike Cianelli, quản lý chương trình Apollo, Challenger và Columbia Lessons của NASA, cho biết.

Đoàn làm phim của kênh History không định tìm kiếm mảnh vỡ tàu Challenger. Thay vào đó, hồi tháng 3/2022, họ tiến hành một loạt đợt lặn thăm dò để tìm hiểu một số xác phương tiện ngoài khơi Florida, trong đó có một mục tiêu nằm ngoài Tam giác Bermuda, ngoài khơi Cape Canaveral. Ban đầu, các thợ lặn muốn tìm xác máy bay cứu hộ PBM Martin Mariner biến mất không dấu vết hôm 5/12/1945. Khi đó, máy bay này đang tìm kiếm 5 máy bay thả ngư lôi của Hải quân Mỹ trong nhiệm vụ Flight 19 biến mất cùng ngày.

Thay vì mảnh vỡ của chiếc máy bay thời Thế chiến II, đội lặn phát hiện cấu trúc có vẻ hiện đại. Sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia và hoàn thành đợt lặn vào tháng 5/2022, đoàn làm phim gửi bằng chứng cho cựu phi hành gia NASA Bruce Melnick. Ông nghi ngờ đó là mảnh vỡ của tàu Challenger. Dựa trên thông tin đó, nhà sản xuất chương trình thông báo phát hiện cho NASA và hồi tháng 8/2022, Ciannelli chính thức xác nhận vật thể đến từ tàu con thoi gặp nạn.

Cập nhật: 12/11/2022 VnExpress
  • 155