Một nhóm nhà khoa học quốc tế đã xác định được niên đại của một mẫu vật khoáng sản cực nhỏ được coi là cổ xưa nhất của Trái Đất - khoảng 4,4 tỷ năm, hé mở những hy vọng mới trong hành trình khám phá thời kỳ sơ khai và quá trình Trái Đất trở thành hành tinh sống.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố ngày 23/2, Trái Đất được cho là hình thành cách đây khoảng 4,5 tỷ năm.
Nhưng giới khoa học hầu như không có bất kỳ thông tin gì về khoảng thời gian trước đó, đặc biệt khi Trái Đất trở nên lạnh đi khiến lớp vỏ Trái Đất đóng băng và hình thành nước ở dạng lỏng.
Mẫu vật được cho là cổ nhất Trái Đất. (Nguồn: Reuters)
Các học thuyết trước đây cho rằng quá trình lạnh đi của Trái Đất đòi hỏi khoảng thời gian là 600 triệu năm.
Tuy nhiên, phát hiện về các tinh thể zircon (một loại khoáng sản) trong những thập kỷ gần đây đưa ra giả thuyết rằng lớp vỏ Trái Đất được hình thành cách đây 4,374 tỷ năm, tức là 160 triệu năm sau khi Trái Đất và các hành tinh khách trong Hệ Mặt Trời hình thành.
Điều này củng cố thêm cho giả thuyết về một Trái Đất lạnh với nhiệt độ vừa đủ thấp cho phép nước, các đại dương và tầng thủy quyển được hình thành không lâu sau khi có lớp vỏ Trái Đất.
Từ đây, các nhà khoa học đi đến kết luận rằng Trái Đất từng có một tầng thủy quyển cách đây 4,3 tỷ năm dù thời gian tồn tại là không lâu.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ mới, đó là kính hiển vi đầu dò nguyên tử (APT) có khả năng xác định chính xác niên đại của mảnh khoáng sản rất nhỏ bằng cách đo các nguyên tử chì riêng biệt bên trong.
Do độ bền cao, zircon có thể chịu được hàng tỷ năm xói mòn mà vẫn còn các đặc tính hóa học và cung cấp nhiều thông tin địa chất.