Phát hiện nhiều điều thú vị ở ngôi sao gần hệ Mặt Trời nhất

  •  
  • 3.456

Sao lùn đỏ Proxima Centauri - nơi trú ẩn của hành tinh giống với Trái Đất nhất, có thể chứa một hệ thống hành tinh phức tạp hơn chúng ta tưởng.

Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu từ Đài quan sát ALMA ở Chile để nghiên cứu ngôi sao được phát hiện vào năm ngoái này. Qua đó, họ thấy một vùng ánh sáng mờ, có hình dạng giống như một vành đai bụi bao quanh Proxima Centauri trải dài đến vài trăm triệu kilomet.

Vành đai bụi (có thể bao gồm các khối đá và băng)
Vành đai bụi (có thể bao gồm các khối đá và băng) cực kì lạnh khi có nhiệt độ vào khoảng -230 độ C. (Ảnh: ESO).

Theo ước tính, vành đai bụi (có thể bao gồm các khối đá và băng) cực kì lạnh khi có nhiệt độ vào khoảng -230 độ C. Nó cũng lạnh như vành đai băng Kuiper nằm trong chính hệ Mặt Trời của chúng ta.

Vành đai bụi vũ trụ thường là những thứ còn sót lại từ các đĩa bồi đắp của vật liệu ở xung quanh ngôi sao và hình thành nên các hành tinh. Điều này có nghĩa là có thể có nhiều hành tinh từng tồn tại ở Proxima Centauri mà chúng ta chưa biết.

"Bụi xung quanh Proxima rất quan trọng bởi vì nó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự tồn tại của một hệ thống hành tinh phức tạp. Không chỉ có một hành tinh đơn lẻ quay quanh ngôi sao gần Trái Đất nhất như chúng ta suy đoán ban đầu”, nhà thiên văn học Guillem Anglada của Viện Vật lý học thiên thể Andalusia (IAA), Tây Ban Nha nói.

Theo nhóm nghiên cứu, dữ liệu thậm chí còn cho thấy khả năng tồn tại một vành đai bụi khác lạnh hơn gấp 10 lần ở phía xa của ngôi sao. Nhóm nhà khoa học đã sắp xếp các dấu hiệu mà họ phát hiện được thành một bản phản thảo sơ bộ về hệ thống hành tinh xung quanh Proxima Centauri. Họ cực kì hào hứng khi lần ra dấu vết của một địa điểm cách xa ngôi sao ở khoảng cách 1,6 đơn vị thiên văn.

"Chúng ta đang thu thập manh mối về một vòng bụi bao quanh một hành tinh khổng lồ vẫn chưa được phát hiện. Điều này thật sự truyền cảm hứng cho các nhà khoa học”, nhóm nghiên cứu nói. “Hành tinh bí ẩn” này được đánh dấu số 3 ở trên bản phác thảo (hình dưới).

Bản phác thảo của nhóm nghiên cứu.
Bản phác thảo của nhóm nghiên cứu. (Ảnh: Anglada).

Mặc dù các dữ liệu dài hạn từ việc quan sát Proxima Centauri vẫn chưa đem lại kết quả nhưng các nhà nghiên cứu vẫn không hề nản chí. "Các quan sát bổ sung đang được tiến hành để xác nhận hoặc loại trừ khả năng hấp dẫn này", họ kết luận.

Cho đến nay, chúng ta chỉ mới xác nhận sự tồn tại của một hành tinh trong hệ thống Proxima Centauri. Các khám phá xung quanh người hàng xóm của Trái Đất - Proxima b vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khả quan.

Vào tháng 8 năm 2016, các nhà khoa học của ESO cuối cùng đã khẳng định sự hiện hữu của hành tinh ở sao lùn đỏ này, khiến cả giới khoa học đều hân hoan vì đây là ngôi sao gần nhất với hệ Mặt Trời mà con người có thể cư ngụ. Chỉ hai tháng sau, các tính toán mới cho thấy Proxima b thực sự có khả năng được bao phủ trong nước và có một bầu khí quyển mỏng. Cả hai dấu hiệu tốt lành đều củng cố thêm cho giả thuyết về tiềm năng duy trì sự sống ở hành tinh này.

Sau đó đến đầu năm nay, chúng ta lại có thông tin khác: Proxima b chỉ là một sao lùn đỏ và những cơn gió ở đây khiến ngôi sao trở thành một địa điểm khắc nghiệt. Hơn nữa, thời tiết trong không gian đã làm xói mòn bầu khí quyển và bề mặt, làm cho nó trở thành một “thế giới chết”. Tuy nhiên, với nghiên cứu mới nhất, chúng ta lại có quyền hy vọng về khả năng sinh sống trên hành tinh này. Vì theo các nhà khoa học, trong những điều kiện nhất định Proxima b có thể trở thành thiên đường với nước và bầu khí quyển.

Khi nào thì một tàu thăm dò đi qua đây và cung cấp thêm dữ liệu về ngôi sao lùn đỏ cho chúng ta - vẫn còn là một câu hỏi. Nhưng ở thời điểm này, chúng ta biết chắc rằng ngôi sao chủ Proxima Centauri chứa các vòng bụi hấp dẫn và có lẽ sở hữu nhiều hành tinh bí ẩn - cho nên những chuyến du hành khám phá liên sao nên được quan tâm nhiều hơn.

Nhà nghiên cứu Anglada nói: "Proxima Centauri phải có một lịch sử tương tác phong phú của nhiều hành tinh mới có thể dẫn đến sự hình thành một vành đai bụi như vậy”. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng bằng cách liên tục nghiên cứu người hàng xóm của Trái Đất, chúng ta sẽ càng hiểu rõ hơn về sự ra đời của Hệ Mặt Trời.

Nhà thiên văn học Pedro Amado thuộc IAA nói: “Kết hợp việc nghiên cứu đĩa hành tinh xung quanh các ngôi sao trẻ, các chi tiết về quá trình hình thành Trái Đất và Hệ Mặt Trời khoảng 4.600 triệu năm trước sẽ được tiết lộ. Những gì chúng ta đang chứng kiến chỉ là món khai vị trong bữa tiệc thịnh soạn sắp tới”.

Cập nhật: 20/11/2017 Theo khampha
  • 3.456