Phát hiện quần thể rùa luýt lớn nhất thế giới

  •  
  • 3.137

Một nhóm các nhà khoa học mới đây đã tìm ra quần thể rùa luýt đang ẩn náu tại Gabon, Tây Phi và là quần thể rùa lớn nhất trên thế giới. Nghiên cứu được công bố trên số ra tháng 5 tờ Biological Conservation, bao gồm các khảo sát trên không và trên mặt đất trên toàn quốc gia. Nghiên cứu ước tính quần thể có khoảng 15.730 đến 41.373 con rùa cái đang làm ổ trên bãi biển.

Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của công cuộc bảo tồn nhằm duy trì các địa điểm chủ chốt cũng như các khu vực được bảo vệ tại Gabon.

Rùa luýt là loài dành được nhiều sự quan tâm trên toàn thế giới sau khi các quần thể rùa tại biển Ấn Độ - Thái Bình Dương giảm tới hơn 90% vào những năm 1980 đến 1990. Ủy ban bảo tồn tự nhiên quốc tế (IUCN) đã đưa loài rùa luýt vào danh sách các loài bị đe dọa nghiêm trọng trên toàn cầu, nhưng các tính toán chính xác về quần thể rùa tại Đại Tây Dương, đặc biệt là ở Châu Phi vẫn còn khuyết.

Nghiên cứu được tiến hành bởi đại học Exeter phối hợp với Ủy ban bảo tồn động thực vật hoang dã (WCS) chỉ đạo Hiệp hội rùa biển Gabon – đây là một mạng lưới các tổ chức quan tâm đến việc bảo tồn các loài rùa biển tại Gabon. Trong suốt 3 mùa xây tổ từ năm 2002 đến 2007, các thành viên của nhóm nghiên cứu đã tiến hành những khảo sát toàn diện nhất về các loài rùa biển tại Gabon. Trong số đó bao gồm các khảo sát trên không dọc bờ biển dài 600 km của Gabon, sử dụng video quay cảnh để đánh giá, bên cạnh đó còn thực hiện các phép kiểm tra chi tiết trên mặt đất. Bằng cách theo dõi toàn bộ bờ biển, các nhà nghiên cứu không chỉ ước tính được số lượng các ổ trứng và số lượng con cái đang đẻ trứng, mà còn có thể phát hiện các địa điểm chủ chốt mà rùa thường đào ổ. Những thông tin này rất quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch quản lý bảo tồn và phát triển đối với loài rùa. Rùa luýt là loài đầu tiên được phát hiện có làm ổ đẻ trứng tại Gabon vào năm 1984.

Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Matthew Witt thuộc đại học Exeter, cho biết: “Chúng tôi biết rằng Gabon là một địa điểm đẻ trứng quan trọng đối với rùa luýt nhưng cho đến nay chúng tôi chỉ biết rất ít về kích cỡ quần thể cũng như thứ hạng trên toàn cầu của nó. Hiện chúng tôi đang tập trung nỗ lực phôi hợp với các cơ quan địa phương, tập trung sức lực để đảm bảo quần thể rùa này được bảo vệ trước những mối đe dọa từ việc đánh bắt trái phép, săn trộm ổ trứng, ô nhiễm, các tác động gây ảnh hưởng đến môi trường sống, cũng như thay đổi khí hậu”.

Nghiên cứu cũng đồng thời tiết lộ rằng khoảng 79% số ổ trứng nằm bên trong các Công viên quốc gia và các vùng được bảo vệ khác. Điều này mang đến một hy vọng mới rằng Gabon có thể tiếp tục là một trong những quốc gia quan trọng nhất thế giới đối với những sinh vật quý hiếm này.

Rùa luýt biển. (Ảnh: NOAA)

Tiến sĩ Angela Formia thuộc Hiệp hội bảo tồn động thực vật hoang dã kiêm đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Những phát hiện này cho thấy tầm quan trọng không thể thay thế được của các khu vực bảo tồn trong việc duy trì các quần thể rùa luýt. Gabon cần phải được khen ngợi bởi nỗ lực thiết lập một mạng lưới các Công viên quốc gia vào năm 2002, những công viên đó đã cung cấp nơi ẩn náu cho loài động vật bị đe dọa này cũng như các loài động vật hoang dã quý hiếm khác”.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Exeter, Hiệp hội bảo tồn động thực vật hoang dã, Đại học Florence, IUCN – Pháp, PROTOMAC (Gabon), CNDIO – Gabon, IBONGA – ACPE (Gabon), Agence Nationale des Parcs Nationaux (Gabon), Cơ quan môi trường Gabon, Aventures Sans Frontières (Gabon) và WWF-Gabon.

Nghiên cứu có thể thực hiện được là nhờ sự hỗ trợ của Hội đồng nghiên cứu môi trường tự nhiên (Anh Quốc), Ngành cá và động thực vật hoang dã Hoa Kỳ (USFWS), Quỹ bảo tồn rùa biển (Hoa Kỳ), và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) – Chương trình môi trường khu vực Trung Phi (CARPE). Nhóm nghiên cứu cũng nhận được 300.000 bảng (khoảng 450.000 USD) từ quỹ Darwin cho dự án kéo dài 3 năm, phối hợp với các tổ chức địa phương nhằm cải thiện công cuộc quản lý đa dạng sinh học biển tại Gabon.

Về rùa luýt biển

Rùa luýt là loài rùa biển lớn nhất, nó đạt tới chiều dài 2 mét (6,5 fit) và nặng 540 kg (1190 pao). Không giống các loài rùa biển khác, rùa luýt không có lớp mai cứng. Mai của nó được tạo thành từ các xương nhỏ được bao bọc bởi lớp da như cao su rắn chắc với các đường gờ chạy dọc than. Rùa luýt là một trong những loài rùa biển có vùng phân bố rộng nhất, nó cũng được tìm thấy ở biển Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, đặc biệt là ở các vùng biển nhiệt đới. Rùa luýt cũng là loài lặn sâu nhất trong số các loài rùa biển. Lần lặn sâu nhất ghi lại được của chúng là 1,2 km (3/4 dặm), độ sâu này lớn hơn một chút so với độ sâu lớn nhất mà một con cá nhà táng đạt được. Cũng giống như các loài bò sát khác, giới tính của rùa luýt được quyết định bởi nhiệt độ của trứng trong quá trình ấp nở. Với rùa luýt, nhiệt độ trên 29 độ C (84 độ F) sẽ khiến trứng nở ra rùa cái. Rùa luýt là các vận động viên bơi lội khỏe mạnh, chúng vượt qua cả các lòng chảo dưới biển và bơi lượn qua hàng ngàn kilomet biển để tìm kiếm nguồn thức ăn là những con sứa biển.

Tham khảo
Matthew J. Witt, Bruno Baert, Annette C. Broderick, Angela Formia, Jacques Fretey, Alain Gibudi, Carine Moussounda, Gil Avery Mounguengui Mounguengui, Solange Ngouessono, Richard J. Parnell, Dominique Roumet, Guy-Philippe Sounguet, Bas Verhage, Alex Zogo, Brendan J. Godley. Aerial surveying of the world’s largest leatherback turtle rookery: A more effective methodology for large-scale monitoring. Biological Conservation, 2009; DOI: 10.1016/j.biocon.2009.03.009

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 3.137