Cú đực đi săn, mang rắn về cho "bạn đời" ăn

  •  
  • 726

Hình ảnh từ camera trong tổ cho thấy cú cái ngửa cổ nuốt chửng con rắn sọc lớn từ mỏ của bạn đời dễ dàng như nuốt một sợi mỳ.

Hành động trao đổi đồ ăn của đôi cú lông sọc được camera điều khiển từ xa của phòng thí nghiệm thuộc Đại học Cornell ghi lại trên cây gai dầu ở New York, Newsweek hôm 17/4 đưa tin. Theo chia sẻ của các nhà nghiên cứu trên Facebook, cú đực chào hỏi bạn tình bằng bữa ăn lớn ở gần lối vào tổ. Đây là con rắn đầu tiên cú đực mang về tổ trong mùa này, bằng chứng về con mồi đa dạng mà cú lông sọc thường săn.


Cú cái ăn rắn sọc dài. (Video: Bird Cam).

Chiếc tổ hình hộp đặc biệt được dựng vào năm 1998 bởi nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Jim Carpenter của công ty Wild Birds Unlimited trong sân vườn. Lần đầu tiên chiếc hộp có chim tới ở là năm 2003. Kể từ sau đó, cúc lông sọc đều đến làm tổ gần như mỗi năm. Camera trong tổ nằm trong mạng lưới Bird Cam của Phòng thí nghiệm điểu học Cornell. Nhóm chuyên gia của trường muốn bảo tồn sự đa dạng sinh học trên Trái Đất thông qua nghiên cứu và giáo dục khoa học, tập trung vào các loài chim.

Theo Ben Walters, chuyên gia truyền thông ở phòng thí nghiệm, cú lông sọc đực phụ trách nhiệm vụ cung cấp thức ăn cho bạn tình trong giai đoạn ấp trứng (28 - 33 ngày) trong khi cú cái chăm sóc những quả trứng. Sau khi trứng nở, con đực tiếp tục kiếm ăn cho cú cái và con non trong khoảng hai tuần. Ở thời điểm đó, chim non sẽ phát triển đủ lớn để ở trong tổ một mình và cú cái có thể săn mồi trở lại.

Cú lông sọc là động vật ăn thịt cơ hội, có nghĩa con mồi của chúng vô cùng đa dạng. Chúng săn và ăn bất cứ thứ gì có thể quắp được. Chế độ ăn của chúng bao gồm động vật nhỏ như sóc, sóc chuột, chuột, chuột đồng, thỏ, chim, loài lưỡng cư, bò sát và loài không xương sống. Con rắn trong video nhiều khả năng là rắn sọc cỡ lớn. Cú lông sọc thường nuốt chửng con mồi nhỏ, bao gồm rắn. Đối với con mồi lớn, chúng sẽ xé thành nhiều mảnh trước khi nuốt.

Cú lông sọc ghép đôi với bạn tình suốt cả đời và nuôi một lứa mỗi năm. Chim non lớn nhanh, tăng khoảng 14g/ngày trong tháng đầu tiên. Cú non sẽ rời tổ vào 4 - 5 tuần tuổi. Ở giai đoạn này, chúng nặng bằng 50 - 75% con trưởng thành và chưa bay giỏi. Thay vì bay, chúng sà xuống mặt đất hoặc chuyền từ cành nọ sang cành kia. Cú non bắt đầu bay quãng ngắn vào khoảng 10 tuần tuổi. Cú trưởng thành tiếp tục chăm sóc con non vài tháng cho tới khi chúng sẵn sàng tản đi để tìm kiếm lãnh thổ riêng.

Cập nhật: 19/04/2023 VnExpress
  • 726