Phát hiện sớm ung thư thanh quản

  •  
  • 1.663

Theo bác sĩ Lê Xuân Cành, phó giám đốc Bệnh viện Tai - mũi - họng trung ương, ung thư thanh quản đang có xu hướng tăng nhanh. Bệnh nguy hiểm nhưng người bệnh hoàn toàn có thể giữ được sinh mạng và cả giọng nói nếu phát hiện sớm.

Giọng khàn, khó thở: đến bác sĩ ngay

Ông Nguyễn Văn Dũng (53 tuổi, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) bị ung thư thanh quản - có tiền sử trào ngược thực quản - dạ dày. Phát hiện bệnh sau khi khàn tiếng kèo dài khoảng năm tháng, ông vẫn may mắn được cắt bán phần thanh quản nên ngày 30-5, sau khi được phẫu thuật khoảng hơn một tuần, ông đã nói được bình thường, dù giọng bị trầm đi nhiều (Ảnh: N.Hà)
Dấu hiệu đầu tiên nhận biết bệnh là khàn tiếng tăng dần, dùng các thuốc điều trị viêm thanh quản không đỡ. Khi khối u to, dây thanh bị cố định, tiếng nói trở nên khàn đặc, câu nói ngắn, mất hết âm sắc, nghe khó hiểu.

 Bệnh nhân bắt đầu khó thở, lúc đầu biểu hiện này chỉ xuất hiện khi người bệnh làm việc gắng sức (lên cầu thang, khiêng vật nặng), về sau khó thở tăng dần và liên tục, có lúc cơn co thắt làm nghẹt thở, tưởng như sắp chết.

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu khàn tiếng kéo dài quá hai tuần, đặc biệt ở lứa tuổi trung niên, đã dùng thuốc kháng viêm không khỏi thì cần đến chuyên khoa tai - mũi - họng ngay. Những bệnh nhân bị u nhú thanh quản, bạch sản thanh quản phải kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những trường hợp bệnh có thể chuyển thành ung thư thanh quản.

Không được phát hiện kịp, không điều trị, bệnh sẽ gây tử vong nhanh (trong vòng 1-3 năm) vì bị suy kiệt hay nghẹt thở, chảy máu (do ung thư di căn vào phổi, xương, gan). Phát hiện bệnh muộn (khoảng hơn 10 năm trước, đây là hiện tượng phổ biến) khi khối u đã lan tỏa, chèn ép cổ họng rất rõ ràng, bệnh nhân sẽ phải nạo vét hạch toàn bộ, cắt bỏ thanh quản dẫn đến hậu quả vĩnh viễn không còn phát âm được. Hiện nay, phát hiện sớm, bệnh nhân chỉ phải cắt một dây thanh một bên hoặc cắt một nửa thanh quản nên vẫn có thể thở và nói chuyện được, mặc dù đa số tiếng bị trầm đi, khó nghe hơn.

Trào ngược thực quản - dạ dày cũng gây bệnh?

Bác sĩ Cành cho hay có một mẫu số chung trong nhiều trường hợp ung thư thực quản là bệnh nhân thường có tiền sử trào ngược thực quản - dạ dày (hay còn gọi là hiện tượng ợ chua). Trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã phát hiện ra mối liên hệ bất ngờ này.

Ung thư thanh quản có thể là kết quả của tình trạng viêm thanh quản mãn tính. Mặt khác, viêm thanh quản mãn tính là hệ lụy của khối nguyên nhân: do viêm nhiễm, do hút phải chất độc (khói thuốc, khói xe...). Trào ngược dạ dày - thực quản sẽ sinh ra viêm nhiễm rất rõ ràng. Khi ăn xong, cơ ở tâm vị co thắt chặt lại, thức ăn bị đẩy ngược lên, dịch dạ dày trào lên thực quản. Kèm theo đó, axit trong dịch dạ dày tác động mạnh lên niêm mạc thanh quản, vốn không có bộ phận để bảo vệ khỏi tác động của loại axit này. Kết quả là người bệnh dễ bị viêm phế quản kéo dài, viêm họng, viêm thanh quản. Kéo dài tình trạng này, tổ chức xơ sẽ hình thành, bệnh nhân bị chít hẹp đường thở gây khó thở tăng dần.

Bác sĩ Cành cho biết hiện tượng trào ngược dạ dày - thực quản gây viêm thanh quản, làm sưng, nóng, đỏ, đau vùng thanh quản và có kèm theo biểu hiện sốt. Ở trẻ em, viêm thanh quản còn gây khó thở dữ dội, có thể dẫn đến tử vong.

Lời khuyên của bác sĩ đối với bệnh nhân bị trào ngược dạ dày - thực quản là phải điều trị bệnh lý dạ dày dứt điểm, tránh gây viêm nhiễm bất thường ở vùng mũi - họng. Khi có biểu hiện ợ chua, cần điều chỉnh thói quen ăn uống, ăn xong không được nằm ngay, kiêng hoàn toàn các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê... Để ngăn ngừa căn bệnh này, ý thức chủ động của mỗi người đóng vai trò quan trọng.

NGỌC HÀ

Theo Tuổi trẻ
  • 1.663