Phát hiện thêm hành tinh "anh em của Trái Đất" và có thể tồn tại sự sống

  •   4,48
  • 10.092

Wolf 1061c, một hành tinh cách Trái Đất 14 năm ánh sáng - tức là khoảng 126 nghìn tỷ km, đã được phát hiện bởi các nhà thiên văn học Australia và họ tin rằng hành tinh này có thể có đủ điều kiện để sự sống tồn tại trên đó. Ngoài ra, hành tinh này còn gần hơn rất nhiều so với "Trái đất thứ 2" Kepler 452b.

Hành tinh này là một trong ba hành tinh quay quanh ngôi sao lùn Wolf 1061 - loại sao có nhiệt độ thấp và khối lượng nhỏ hơn Mặt trời rất nhiều lần, thuộc chòm sao Ophiucus và nó cũng là ngôi sáng thứ 35 trong danh sách những ngôi sao gần Trái Đất nhất con người từng biết đến. Cả 3 hành tinh này đều ở dạng rắn như Trái Đất và Sao Hỏa, thậm chí Wolf 1061c - hành tinh nằm giữa - thuộc khu vực mà các chuyên gia thiên văn gọi là vùng Goldilocks - tức là có thể xuất hiện nước ở dạng lỏng, một điều kiện cơ bản để xuất hiện dấu hiệu của sự sống.

Wolf 1061c là một trong ba hành tinh quay quanh ngôi sao lùn Wolf 1061.
Wolf 1061c là một trong ba hành tinh quay quanh ngôi sao lùn Wolf 1061.

Trong thiên văn học, vùng Goldilocks là nơi cách ngôi sao một khoảng mà những hành tinh kiểu Trái Đất có thể duy trì nước ở trạng thái lỏng trên bề mặt của chúng và sự sống có thể phát triển trên những hành tinh này. Vùng ở được thường nói đến hai phạm vi là: trong một hệ hành tinh và trong một thiên hà. Các hành tinh và vệ tinh tự nhiên trong những vùng này là những ứng cử viên tiềm năng cho sự sống phát triển và có khả năng tồn tại sự sống ngoài Trái Đất trên các thiên thể này giống như chúng ta. Khái niệm này nói chung không bao gồm các vệ tinh tự nhiên do vẫn chưa có đủ chứng cứ và lý thuyết nêu bật những kiểu Mặt Trăng nào có thể ở được khi tính đến hành tinh mà nó quay quanh.

Khu vực có thể sống được không nên lẫn lộn với đặc tính ở được của hành tinh. Trong khi đặc tính ở được của hành tinh chỉ nói đến những điều kiện yêu cầu của hành tinh cho phép duy trì sự sống dạng carbon, thì khu vực có thể sống được nói đến những điều kiện yêu cầu của ngôi sao cho phép duy trì sự sống cacbon, và hai nhân tố này không phải lúc nào cũng trao đổi cho nhau được.

Về đặc tính, Wolf 1061c nặng gấp 4,3 lần Trái Đất và khoảng cách từ nó đến sao chủ chỉ bằng 10% khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời. Nếu xét trên hệ quy chiếu hệ Mặt Trời thì khoảng cách như vậy sẽ khiến bề mặt Wolf 1061c nóng hơn cả Sao Thủy. Rất may là Wolf 1061 không nóng như Mặt Trời nên những người phát hiện ra hành tinh này càng có cơ sở tin tưởng vào giải thuyết nó có thể tồn tại sự sống hoặc ít nhất là đủ điều kiện để con người có thể sinh sống trên đó. Wolf 1061c đang di chuyển quanh sao chủ với chu kỳ là 18 ngày.


Video mô phỏng người anh em vừa mới tìm thấy của Trái Đất.

Nhà nghiên cứu thiên văn Duncan Wright thuộc đại học New South Wales, thành viên của nhóm, cho biết phát hiện này thực sự rất đáng quan tâm vì bản thân ngôi sao Wolf 1061 đang ở thời kỳ cực kỳ ổn định, không có quá nhiều biến động nên nhiệt độ phần được chiếu sáng của các hành tình không biến thiên quá lớn, thêm vào đó những cơn gió lớn trên bề mặt có thể thổi qua phía không được chiếu sáng để điều chỉnh nhiệt độ tại đó.

Việc phát hiện Wolf 1061c được dựa trên cơ sở dữ liệu của máy quang phổ HARPS và Kính viễn vọng Nam Âu được đặt tại Chile. Hiện tại, đội ngũ nghiên cứu đang tiến hành quan sát nhiều hơn 3 hành tinh mới này và thực hiện các phép đo đạc để xác định điều kiện khí quyển của chúng. Nếu mọi thứ suôn sẻ thì tương lai con người định cư trong vũ trụ không còn xa nữa.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 4,48
  • 10.092