Phát hiện thêm một nguồn nhiệt núi lửa ở Nam Cực

  •  
  • 525

Các nhà khoa học vừa phát hiện một nguồn nhiệt núi lửa đang hoạt động bên dưới lớp băng vĩnh cửu Pine Island, phía tây Nam Cực.

Theo Daily Mail, một nhóm các nhà khoa học đang nghiên cứu về vai trò của đại dương đối với những lớp băng vĩnh cửu đang thu hẹp dần thì phát hiện ra nguồn nhiệt này.

"Nhóm nghiên cứu của chúng tôi không đi tìm núi lửa nhưng lại tình cờ nhận thấy lượng heli-3 - chất khí mách bảo sự hiện diện của núi lửa - tập trung quá cao ở một khu vực khiến chúng tôi không khỏi nghi ngờ", Brice Loose từ ĐH Rhode Island, Anh cho biết.

Bề mặt khu vực Pine Island
Bề mặt khu vực Pine Island - (Ảnh: ĐH Washington).

Theo Brice Loose, tuy không thể xác định núi lửa bằng những yếu tố đo lường như nhiệt độ hay là khói núi lửa do chúng nằm sâu hàng cây số bên dưới các lớp băng vĩnh cửu.

"Tuy nhiên số lượng đồng vị heli-3 quá nhiều khiến chúng tôi tin chắc ở đây có một nguồn nhiệt núi lửa", Brice Loose khẳng định.

Phát hiện này trùng khớp với những thông tin được thu thập vào năm 2017 của các nhà khoa học từ ĐH Edingburgh, Scotland khi khám phá ra vành đai núi lửa dày đặc tại thềm băng phía tây của Nam Cực.

Bằng cách sử dụng ra đa xuyên băng quét toàn bộ rìa phía tây của Nam Cực, các nhà khoa học phát hiện các núi lửa này nằm ở độ sâu khoảng 2km và có độ cao từ 100-4.000m.

Sau đó nhóm nghiên cứu từ ĐH Edingburgh so sánh những gì tìm được từ thông tin địa chất của khu vực với dữ liệu vệ tinh và dữ liệu phân tích nhiều nguồn tài liệu trong quá khứ.

"Phát hiện nguồn nhiệt núi lửa đang bên dưới các lớp băng vĩnh cửu có thể sẽ làm thay đổi phần nào cách thức giới nghiên cứu đang tìm hiểu về tình trạng tan băng ở Nam Cực", Brice Loose cho biết.

Tuy nhiên Loose nhấn mạnh rằng nguồn nhiệt không phải là nguyên nhân chính dẫn đến băng tan. Tác nhân chủ yếu vẫn là do tình hình biến đổi khí hậu diễn ra hết sức phức tạp hiện nay.

Vị trí của lớp băng Pine Island ở phía tây Nam Cực
Vị trí của lớp băng Pine Island ở phía tây Nam Cực - (Ảnh: Daily Mail).

GS Karen Heywood từ ĐH East Anglia ở Norwich, Anh cho biết: "Phát hiện núi lửa bên dưới các lớp băng Nam Cực chỉ có nghĩa rằng đang có thêm một yếu tố làm tan chảy các lớp băng, góp phần làm nước biển dâng và làm ấm đại dương".

Hiện tại, tình trạng hoạt động của các núi lửa trên hiện chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên các nhà khoa học cũng lo ngại một giả thiết hiện tượng ấm lên toàn cầu trong những năm gần đây nếu tiếp tục tăng cao có nguy cơ gây ra những vụ phun trào núi lửa tại Nam Cực hay không?

Điều này đã từng xảy ra trước đây. Các nhà khoa học tin rằng những vụ phun trào núi lửa ở vùng cực nam Trái đất có thể đã xảy ra vào khoảng 2.200 năm trước.

Cập nhật: 28/06/2018 Theo Tuổi Trẻ
  • 525