Phát hiện thuốc chống viêm có thể trị bệnh Alzheimer

  •   4,52
  • 1.157

Một phát hiện mới đây của các chuyên gia y tế cho thấy thuốc chống viêm có tác dụng nhất định trong việc điều trị bệnh Alzheimer.

Sau một thời gian nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Manchester cho biết họ nhận thấy một trong những hình thức của bệnh Alzheimer là mất trí nhớ có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng một loại thuốc thường được dùng để giảm đau bụng kinh.

Axit mefenamic (một chất phổ biến trong thuốc chống viêm NSAID) có tác dụng thay đổi hoàn toàn tình trạng bộ não bị viêm và mất trí nhớ của chuột.
Axit mefenamic (một chất phổ biến trong thuốc chống viêm NSAID) có tác dụng thay đổi hoàn toàn tình trạng bộ não bị viêm và mất trí nhớ của chuột.

International Business Times báo cáo rằng, có ít nhất 7,5 triệu trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer trên thế giới mỗi năm. Đây là một bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ nhớ, khả năng điều khiển hành vi và suy nghĩ của bệnh nhân.

Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi Tiến sĩ David Brough thử nghiệm trên chuột và phát hiện ra rằng axit mefenamic (một chất phổ biến trong thuốc chống viêm NSAID: Non-Steroidal Anti Inflammatory Drug) có tác dụng thay đổi hoàn toàn tình trạng bộ não bị viêm và mất trí nhớ của chuột.

Theo Medical Daily, các nhà nghiên cứu sử dụng 20 con chuột biến đổi gene đã được phát triển các triệu chứng của bệnh Alzheimer. Nghiên cứu được tiến hành khi các con chuột đã bắt đầu phát sinh các vấn đề liên quan đến mất trí nhớ. Những con chuột này được chia thành 2 nhóm, 10 con đầu tiên được cho dùng một liều axit mefenamic, trong khi đó nhóm còn lại dùng giả dược trong vòng 1 tháng.

Kết quả cho thấy, những con chuột được cho sử dụng axit mefenamic đã phục hồi hoàn toàn như khi chưa mắc bệnh Alzheimer. Trong một tuyên bố mới đây, Brough cho biết: "Các bằng chứng thực nghiệm cho thấy chứng viêm trong não càng làm cho bệnh Alzheimer trở nên tồi tệ hơn. Axit Mefenamic có thể làm hạn chế quả trình này khi ảnh hưởng lên NLRP3 (có trong tế bào úng thư)".

"Tuy nhiên, còn nhiều thời gian trước khi chúng tôi chắc chắn rằng nghiên cứu trên loài chuột có thể áp dụng trên người", ông nói thêm. Tiến sĩ Doug Brown từ Hiệp hội Alzheimer cũng nói rằng việc thử nghiệm các loại thuốc trị bệnh khác trong điều trị Alzheimer vẫn đang được tiến hành.

Các nhà khoa học phải mất 15 năm hoặc lâu hơn nữa mới có thể tạo ra được loại thuốc điều trị chứng mất trí nhớ ở người.
Các nhà khoa học phải mất 15 năm hoặc lâu hơn nữa mới có thể tạo ra được loại thuốc điều trị chứng mất trí nhớ ở người.

Theo báo cáo của thesun.co.uk thì các nhà khoa học phải mất 15 năm hoặc lâu hơn nữa mới có thể tạo ra được loại thuốc điều trị chứng mất trí nhớ ở người.

Tuy nhiên, loại thuốc này không phải không có tác dụng phụ nên các nhà khoa học khuyến cáo chưa nên sử dụng chúng trong điều trị bệnh Alzheimer khi chưa có kết quả nghiên cứu cuối cùng.

Cập nhật: 24/08/2016 Theo vnreview
  • 4,52
  • 1.157