Phát hiện tranh giả bằng điện thoại

  •  
  • 395

Các chuyên gia công nghệ thông tin của Cộng hòa Séc đã tạo ra một ứng dụng điện thoại mới, có thể phát hiện các bức tranh cũng như các tác phẩm nghệ thuật giả mạo.

Ứng dụng có tên Oneprove sẽ quét các chi tiết trên bề mặt bức tranh gốc để tạo ra một giấy thông hành kỹ thuật số. Với giấy thông hành kỹ thuật số này, phần mềm sẽ xác minh đâu là tranh giả và tranh thật.

Để sử dụng ứng dụng Oneprove, người ta chỉ cần cài trên điện thoại thông minh, sau đó chụp ảnh bức tranh cần kiểm tra. Ứng dụng sẽ nhanh chóng quét cơ sở dữ liệu của mình về những bức họa gốc và sau đó cho biết tác phẩm nghệ thuật cần xác minh kia là giả hay là thật.

“Chúng ta dùng điện thoại thông minh chụp hình bức tranh. Từ "máy quét” này chúng ta có thể tạo ra một thứ gọi là giấy thông hành kỹ thuật số. Sau khi phân tích chúng ta sẽ xác minh được kết quả. Bằng cách này, chúng ta có thể bảo vệ các tác phẩm gốc. Ứng dụng này hoạt động dựa trên việc phân tích cấu trúc bề mặt của bức tranh. Cũng giống như việc vân tay của mỗi người khác nhau thì vải bạt cũng có cấu trúc riêng biệt và bề mặt khác nhau”, ông Marvan Shamma, đồng phát minh ứng dụng Oneprove, cho biết.

Oneprove sẽ phân tích cấu trúc bề mặt của bức tranh để xác minh bức tranh là giả hay thật.
Oneprove sẽ phân tích cấu trúc bề mặt của bức tranh để xác minh bức tranh là giả hay thật.

Hệ thống mới này hứa hẹn là trợ thủ đắc lực của các cán bộ bảo quản bảo tàng, các nhà kinh doanh nghệ thuật và thậm chí là những người yêu thích nghệ thuật.

“Ngày nay việc làm giả các tác phẩm nghệ thuật rất dễ dàng. Người ta có thể sao chép nó chính xác đến từng chi tiết, và sau đó sơn lại chúng thành những tác phẩm như thật. Bởi thế, thế giới nghệ thuật và ngành kinh doanh liên quan đến nghệ thuật từ lâu đã chờ đợi sự hỗ trợ của công nghệ mới này cũng như sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo”, anh Eva Kocova, chủ một phòng tranh, cho biết.

Không chỉ dừng ở việc xác minh tranh giả hay tranh thật, các chuyên gia phát minh ra phần mềm Oneprove còn hy vọng sẽ phát triển hơn nữa ứng dụng trong tương lai để xác định phong cách của từng người nghệ sĩ.

“Trong tương lai chúng ta sẽ có thể nhận dạng được các nghệ sĩ theo phong cách, màu sắc và loại tranh. Khi ấy chúng ta sẽ không cần đến cơ sở dữ liệu của những tác phẩm gốc nữa. Chúng ta chỉ cần xác định được phong cách của nghệ sĩ là chúng ta có thể xác định được các tác phẩm là thật hay giả”, anh Jan Habis, đồng phát minh ứng dụng Oneprove, cho biết.

Sau khi mua tranh, người mua thường tìm đến các chuyên gia để nhờ xác minh.
Sau khi mua tranh, người mua thường tìm đến các chuyên gia để nhờ xác minh. Bởi thế, sự hỗ trợ của Oneprove sẽ giúp việc xác minh trở nên chính xác hơn.

Số liệu thống kê cho thấy ngành kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật đang thăng hoa ở Cộng hòa Séc, với doanh thu 1.3 tỷ crown (tương đương 1.373 tỷ đồng). Đối với một số người, việc mua tranh của các tác giả hiện đại người Séc là một khoản đầu tư yêu thích.

Khi mua một bức tranh, người mua thường đến các chuyên gia hoặc giới sành tranh, để nhờ xác minh. Và với ứng dụng Oneprove, các chuyên gia sẽ có cơ sở vững chắc hơn để phân biệt tranh giả hay tranh thật.

Trên thế giới, người nổi tiếng bậc nhất thế kỷ 20 trong việc sao chép tranh chính là Wolfgang Beltracchi, người Đức. Những bức tranh giả của “kẻ làm giả tranh của thế kỷ” Wolfgang Beltracchi được đánh giá là có độ chân thực đến mức khó tin. Wolfgang Beltracchi khẳng định không có danh họa nào trên đời mà ông không thể sao chép được phong cách vẽ.

Các chuyên gia hàng đầu trong ngành thẩm định tranh cũng thường xuyên nhầm lẫn giữa các bức tranh giả của Beltracchi và các bức tranh gốc của những cố họa sĩ.

Những bức tranh giả đem về cho những kẻ lừa đảo khoản tiền khổng lồ.
Những bức tranh giả đem về cho những kẻ lừa đảo khoản tiền khổng lồ.

Cùng với vợ của mình, Beltracchi đã thu về hàng triệu USD từ các bức tranh giả. Sau mỗi phi vụ lừa đảo của đôi vợ chồng, Helene lại “rửa tiền” bằng cách “hóa phép” số tiền đó thành tài sản được kế thừa từ người ông giàu có.

Nhưng rồi sự bất cẩn cuối cùng cũng khiến Beltracchi sa lưới. Trong bức tranh giả một tác phẩm của danh họa Heinrich Campendonk vẽ năm 1914 đã bị thất lạc, Beltracchi dùng màu trắng titan trong khi thời điểm Campendonk vẽ bức tranh ấy, thế giới còn chưa có màu trắng titan. Năm 2011, Beltracchi bị tuyên phạt sáu năm tù giam, còn vợ ông lãnh án bốn năm tù.

Cập nhật: 01/10/2018 Theo khampha
  • 395