Các chuyên gia khoa học ở Trường Đại học California, Los Angeles – UCLA và các cộng sự của mình đã phát hiện ra bằng chứng đầu tiên của virus H1N1 trên động vật ở Châu Phi.
>>> Chủng virus mới từ virus cúm lợn, cúm gia cầm
Trong một ngôi làng ở phía Bắc Cameroon, khoảng 89% những con lợn được nghiên cứu đã cho kết quả nhiễm virus cúm H1N1.
Ông Thomas B. Smith ở Trung tâm Nghiên cứu Nhiệt đới thuộc Trường Đại học California, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên khi thấy hầu như tất cả lợn trong làng này đều bị nhiễm virus. Châu Phi là nơi bắt đầu của một đại dịch mới. Ở đó có nhiều người trong tình trạng sức khoẻ kém, và bệnh tật có thể lây lan rất nhanh mà không nhà chức trách nào biết về nó”.
Khoảng 89% những con lợn tại Châu Phi được nghiên cứu đã nhiễm virus cúm H1N1
H1N1 gây đại dịch ở người vào mùa xuân năm 2009, trên 200 quốc gia. Theo thống kê từ các Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tại Mỹ, ước tính có khoảng 60 triệu người mắc bệnh, 270.000 trường hợp nhập viện và 12.500 ca tử vong. Virus này, tên khoa học gọi là cúm A (còn gọi là H1N1), được hình thành từ các nhân tố di truyền giữa virus cúm ở lợn, cúm gia cầm và người. Những con lợn ở Cameroon bị nhiễm bệnh từ người, các nghiên cứu gia cho biết.
Kevin Njabo, chuyên gia nghiên cứu ở Khoa sinh học thuộc Trường Đại học California, Giám đốc trung tâm nghiên cứu nhiệt đới của UCLA cho biết. “Tôi đã bị sốc khi phát hiện đó là virus H1N1. Bất kỳ virus nào trên thế giời này đều có thể lan sang đại lục khác chỉ trong vòng vài ngày thông qua việc đi lại bằng đường hàng không. Chúng tôi cần hiểu được virus bắt nguồn từ đâu, và chúng lây lan như thế nào, như vậy chúng tôi mới có thể tiêu diệt triệt để loại virus trước khi chúng lây lan. Chúng tôi phải được chuẩn bị cho 1 đại dịch, nhưng lại có quá nhiều quốc gia đã không chuẩn bị kỹ lưỡng vấn đề này, thậm chí ngay cả Mỹ”.
Các nhà khoa học đã sử dụng xét nghiệm chẩn đoán có tên ELISA – một loại xét nghiệm miễn dịch liên kết enzim – để kiểm tra những loại virus tiềm tàng. ELISA cho biết những con lợn này có dòng virus H1N1 của người.
Những virus ở lợn có thể trộn lẫn vào một dòng virus nguy hiểm hơn nhiều, có thể lây lan cực nhanh, Smith và Njabo cảnh báo.
“Chúng tôi đang nghiên cứu bề mặt chung giữa các virus ở người, động vật hoang dã và gia súc và cách thức các virus di chuyển giữa những đối tượng này”, Njabo cho biết.
“Dòng virus H1N1 đặc biệt này xuất hiện ở khắp mọi nơi”, Giáo sư Smith đến từ Trường Đại học California cho biết. “Khi các dòng virus cúm khác nhau được trộn lẫn vào loài lợn, như dòng virus cúm gà cộng với virus ở người, thì bạn có thể có được những dòng virus lai mới có thể tác động đến con người nghiêm trọng hơn và có thể tạo ra đại dịch dẫn đến lây nhiễm từ người sang người”.
Smith và Njabo lưu ý rằng, vào thế kỷ 20, thế giới đã trải qua 3 trận đại dịch cúm, khiến tổng cộng hơn 40 triệu người đã tử vong.
Ngoài nghiên cứu loài lợn, Njabo và các đồng nghiệp của mình còn thu thập các mẫu từ hàng trăm loài chim, vịt và gà hoang dã ở Cameroon và Ai Cập để nghiên cứu. Các cộng sự của họ cũng đang thực hiện nhiều nghiên cứu tương tự tại Trung Quốc, Bangladesh và nhiều nơi khác. Smith và Njabo cùng Phòng Thí nghiệm Sinh học Toàn cầu thuộc Trường Đại học California và giáo sư Hilary Godwin thuộc Trường Y tế Cộng đồng thuộc Trường Đại học California đã hợp tác với nhau để xác định những căn bệnh mới lạ, đẩy nhanh tốc độ phát triển các loại vacxin mới và cố gắng ngăn chặn đợt đại dịch tiếp theo.