Phát minh "người đẩy tàu" và lý do tàu điện ở Nhật vượt quá 200% công suất

  •  
  • 3.628

Mặc dù có nhiều mặt xấu, song không thể phủ nhận cách "nhồi nhét" giúp tăng đáng kể công suất hoạt động của tàu điện, đặc biệt là tại các thành phố đông dân cư, có mật độ di chuyển dày đặc.

Tàu điện ngầm tại các thành phố lớn ở Nhật Bản cực kỳ đông đúc.
Tàu điện ngầm tại các thành phố lớn ở Nhật Bản cực kỳ đông đúc.

Mạng lưới đường sắt ở Nhật Bản được cả thế giới biết đến với tính ưu việt và đúng giờ. Tại thủ đô Tokyo, trung bình gần 40 triệu lượt hành khách đi đường sắt mỗi ngày, vượt trội hơn nhiều so với các phương tiện giao thông khác như xe bus hay ô tô cá nhân. Trong con số này, 22% - tương đương 8,7 triệu người tham gia giao thông bằng tàu điện ngầm.

Trên hầu hết các tuyến, các chuyến tàu đến và đi cách nhau trung bình 5 phút/chuyến và trong thời gian cao điểm, chúng có xu hướng sẽ đáp ứng được nhu cầu của hành khách sau từ 2-3 phút. Như vậy tính trung bình, có khoảng 24 chuyến tàu mỗi giờ theo cùng một hướng di chuyển.

Mặc dù có rất nhiều chuyến tàu được bố trí luân phiên, nhưng tàu điện ngầm tại các thành phố lớn ở Nhật Bản vẫn cực kỳ đông đúc, đặc biệt là vào giờ cao điểm.

Theo một thống kê của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông tại Nhật, gần như tất cả tàu điện tại Tokyo đều chạy quá công suất. Trong đó, một số ít chạy quá tới 200% công suất định mức.

Oshiya

Hình ảnh "Oshiya" hay "những người đẩy tàu" ở ga Shinjuku, Tokyo
Hình ảnh "Oshiya" hay "những người đẩy tàu" ở ga Shinjuku, Tokyo cố gắng xếp càng nhiều hành khách càng tốt vào toa trong giờ cao điểm năm 1967 (Ảnh: CNN).

Để có thể chứa gấp đôi, hay thậm chí gấp 3 số lượng hành khách trên một toa tàu điện ngầm, các nhà ga sử dụng các nhân viên mặc đồng phục được gọi là "oshiya" hoặc "người đẩy tàu", với mục tiêu là nhồi nhét càng nhiều người vào toa tàu điện ngầm càng tốt.

Khi những "người đẩy tàu" lần đầu tiên được giới thiệu tại ga Shinjuku, Tokyo, họ được gọi là "nhân viên sắp xếp hành khách", phần lớn là sinh viên làm việc bán thời gian. Tuy nhiên đến ngày nay, bất kỳ nhân viên nhà ga nào cũng sẽ trở thành "máy đẩy" chuyên nghiệp, sẵn sàng đảm nhiệm vai trò này trong giờ cao điểm.

Dù khá phổ biến ở Nhật, song khái niệm "người đẩy tàu" là một phát minh của người Mỹ và có nguồn gốc tại thành phố New York, từ gần một thế kỷ trước. Tuy nhiên, công việc này dần trở nên lỗi thời khi tàu điện ra mắt công nghệ cửa tự động, khiến cho việc "nhồi nhét" hành khách khi tới giờ xuất bến là điều không thể.

Năm 2012, nhiếp ảnh gia người Hồng Kông Michael Wolf đã tạo ra một bộ ảnh mang tên Tokyo Compression với những biểu hiện đau đớn và khó chịu của hành khách khi khuôn mặt của họ bị đập vào cửa, bị ép vào cửa sổ do chen chúc lên các khoang tàu điện.

Những bức ảnh này cho thấy tình cảnh bên trong tàu điện ngầm trở nên khủng khiếp và đáng xấu hổ như thế nào. Hành khách với cơ thể bị ép chặt vào nhau đến nỗi hầu hết mọi người không thể di chuyển được, những người thấp bé và trẻ nhỏ có nguy cơ bị ngạt thở bởi những lớp áo của hành khách xung quanh.

Hành khách với cơ thể bị ép chặt vào nhau đến nỗi hầu hết mọi người không thể di chuyển
Hành khách với cơ thể bị ép chặt vào nhau đến nỗi hầu hết mọi người không thể di chuyển được tại Nhật (Ảnh: Michael Wolf).

Xuống tàu đúng bến cũng đòi hỏi sức mạnh và sự quyết tâm của hành khách. Việc có quá đông người cũng khiến họ khó xử lý khi xảy ra tình huống hỏa hoạn hoặc sơ tán khẩn cấp. Tàu điện ngầm cũng là "mảnh đất màu mỡ" cho những kẻ móc túi và kẻ quấy rối có thể thực hiện hành vi của mình.

Mặc dù có nhiều mặt xấu, song không thể phủ nhận cách "nhồi nhét" giúp tăng đáng kể công suất hoạt động của tàu điện, đặc biệt là tại các thành phố đông dân cư, có mật độ di chuyển dày đặc.

Năm 2017, chính quyền thành phố Madrid, Tây Ban Nha từng lấy cảm hứng từ người Nhật và đã thuê "người đẩy tàu" để đối phó với số lượng hành khách tăng vọt do một trong những tuyến tàu điện tạm thời đóng cửa vì công việc bảo trì.

Cập nhật: 24/01/2022 Theo Dân Trí
  • 3.628