Phát minh thủy tinh có thể tạo ra dòng điện

  •  
  • 309

Với vết khắc bằng laser trên bề mặt, thủy tinh tellurite tạo ra một dòng điện phản ứng với ánh sáng cực tím và ánh sáng có thể nhìn thấy được.

Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Tokyo (Nhật Bản) và Viện Công nghệ Lausanne (Thụy Sĩ) đã phát minh loại thủy tinh có thể tạo ra dòng điện khi tiếp xúc với ánh sáng, qua đó mở ra triển vọng về một nguồn năng lượng sạch mới trong dài hạn.

 Một mẩu thủy tinh tellurite được khắc laser femtosecond có thể tạo ra dòng điện
Một mẩu thủy tinh tellurite được khắc laser femtosecond (laser phát ra xung ánh sáng siêu ngắn) có thể tạo ra dòng điện - (Ảnh: KYODO).

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học Physical Review Applied (Mỹ), theo đó các nhà khoa học đã dùng laser femtosecond - laser phát ra xung ánh sáng siêu ngắn - khắc lên bề mặt của thủy tinh và đã tạo ra được một dòng điện.

Giáo sư Yves Bellouard tại Viện Công nghệ Lausanne và là giám đốc Phòng thí nghiệm Galatea của viện này cho biết công nghệ này "đáng ngạc nhiên và đầy sáng tạo" vì có thể biến đổi vật liệu mà không cần thêm bất cứ thứ gì.

Theo chuyên gia về công nghệ laser này, một thực tập sinh tại Phòng thí nghiệm Galatea - Goezden Torun trước đó đã có kinh nghiệm sử dụng laser femtosecond trên các loại thủy tinh khác nhau, trong đó có thủy tinh tellurite - một chất liệu công nghiệp được sử dụng để sản xuất sợi quang.

Trong quá trình nghiên cứu, Torun đã tình cờ tạo ra một tinh thể bán dẫn trên thủy tinh tellurite. Với vết khắc bằng laser trên bề mặt, thủy tinh tellurite tạo ra một dòng điện phản ứng với ánh sáng cực tím và ánh sáng có thể nhìn thấy được.

Giáo sư Tetsuo Kishi tại Viện Công nghệ Tokyo cho biết: "Thủy tinh là một vật liệu thụ động chỉ để ánh sáng đi qua, nhưng sau khi sử dụng laser femtosecond, loại thủy tinh này biến thành một vật liệu hoạt động, có thể truyền dòng điện như một chất bán dẫn".

Theo giáo sư Tetsuo Kishi, nhóm nghiên cứu có thể thay đổi hình dạng của thủy tinh, làm cho thủy tinh nhẹ và mỏng hơn bằng cách thay đổi thành phần để phát minh này hữu ích và thực tế hơn.

Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng một ngày nào đó có thể phát triển được các cửa sổ phủ thủy tinh tellurite ứng dụng laser femtosecond.

Ông Bellouard cho biết: "Điều này sẽ tạo nên một nguồn năng lượng sạch và theo đó giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch".

Cập nhật: 09/03/2024 Tuổi Trẻ
  • 309