Phẫu thuật cho một phụ nữ có ngực dài nửa mét

  •  
  • 1.979

Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội vừa phẫu thuật tạo hình cho một phụ nữ 26 tuổi có hai vú dài quá rốn. Khuôn ngực của chị vốn bình thường, chỉ bắt đầu phì đại kể từ khi sinh con.

Tuy ngực rất lớn nhưng bệnh nhân không có sữa cho con bú. Ảnh do bác sĩ cung cấp.
Tuy ngực rất lớn nhưng bệnh nhân không có sữa cho con bú. Ảnh do bác sĩ cung cấp.

Tiến sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, chỉ trong vòng 6 tháng, tuyến vú của người phụ nữ kể trên đã phát triển phì đại để đạt kích thước dài nửa mét, nặng hơn 4 kg. Mặc dù bộ phận này phát triển sau sinh nhưng chị lại không có sữa. Sức nặng trước ngực khiến bệnh nhân khó vận động, rất khó thay đổi tư thế và không thể làm được việc gì. Khi ngủ, chị luôn phải nằm nghiêng để tránh ngạt thở.

Các bác sĩ cho rằng, tác nhân gây phì đại tuyến vú ở người phụ nữ này là bệnh lupus ban đỏ hệ thống (một bệnh của hệ miễn dịch). Bình thường, kích thước tuyến vú chịu sự điều khiển của hoóc môn giới tính. Khi miễn dịch bị rối loạn, thụ thể tiếp nhận hoóc môn này có thể tăng độ nhạy cảm lên rất nhiều lần, khiến tuyến vú phát triển quá phát cho dù lượng hoóc môn chỉ huy quá trình này vẫn bình thường.

Bộ ngực nặng nề kéo trọng tâm cơ thể về phía trước, về lâu dài có thể gây cong vẹo và biến dạng cột sống, nhất là các đốt sống cổ, làm giảm lượng máu lên não, kéo theo những vấn đề nghiêm trọng khác. Do khi đi đứng, bệnh nhân phải khum vai để không làm lộ ngực nên lồng ngực cũng có thể biến dạng, trở nên hẹp hơn, gây chèn ép và giảm chức năng các cơ quan bên trong. Mặt khác, phần tiếp xúc giữa hai tuyến vú và các vùng da khác rất dễ bị viêm nhiễm, lở loét.

Do đó, ngày 30/8, tiến sĩ Trần Thiết Sơn và các cộng sự đã phẫu thuật tạo hình cho bệnh nhân. Bằng kỹ thuật Thoreck lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, họ đã cắt đi phần vú nặng hơn 3 kg, tạo hình lại ngực rồi lấy phần quầng và núm vú ghép lên để khôi phục thẩm mỹ. Để tránh tái phát, các bác sĩ đã cắt trọn tuyến vú. Do đó, bệnh nhân sẽ không còn khả năng nuôi con bằng sữa mẹ. Hiện bệnh nhân sức khỏe ổn định, có thể ra viện trong ngày mai.

Tiến sĩ Sơn cho biết, trường hợp tuyến vú quá lớn và phát triển quá nhanh như trên rất hiếm gặp (các trường hợp khác chỉ đạt kích cỡ này sau 7-8 năm). Ở Việt Nam, chứng phì đại tuyến vú có tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm 1/20 so với thiểu sản tuyến vú (vú không phát triển). Bệnh hay gặp ở tuổi 18-20 hoặc sau khi sinh nở mà nguyên nhân là rối loạn hoóc môn (thường có tính gia đình).

Trọng lượng tuyến vú ở những trường hợp này thường chỉ 1,2-1,5 kg (ở người bình thường là khoảng 500-600 gam). Cách điều trị là phẫu thuật thu gọn có bảo tồn tuyến vú để bệnh nhân vẫn nuôi con được bằng sữa mẹ. Vì vậy, phần vú quá dài sẽ không bị cắt rời hẳn như trong ca mổ trên. Các bác sĩ sẽ giữ lại phần tổ chức có quầng và núm vú và chuyển lên phía trên khi tạo hình lại ngực.

Thanh Nhàn

Theo Vnexpress
  • 1.979