Đau lưng là một trong những rắc rối sức khỏe phổ biến khi mang thai. Khoảng 50-70% thai phụ phàn nàn rằng, họ bị đau lưng trong cả 3 quý. Những cơn đau thường xuất hiện ở phía dưới ở một hoặc cả hai bên lưng.
Progesterone (một loại hormone thai nghén) khiến các dây chằng – kết nối giữa khung xương chậu và vùng lưng phía dưới bị "nhão". Thỉnh thoảng, nó sẽ gây nên những cơn đau nhói vùng lưng.
Đây chỉ là một khó chịu nhỏ của hormone thai nghén bởi vì, loại hormone này giữ vai trò khiến khung xương chậu được mềm dẻo và linh hoạt. Như thế, khung xương chậu mới trở thành "không gian" nâng đỡ và hỗ trợ quá trình chuyển dạ thành công.
Lúc chưa mang thai, các cơ vùng bụng đảm nhiệm một số nhiệm vụ như chịu sức ép từ cơ thể trong tư thế bạn nằm sấp, co giãn linh hoạt khi bạn muốn gập người lại, nhặt một đồ vật dưới đất... Trong khoảng thời gian mang bầu, các cơ này hầu như không được giữ những vai trò vừa kể trên. Các cơ vùng bụng trở nên "yếu ớt" và bị giãn mạnh do tác động tự sự phát triển của thai, khiến cho vùng cơ lưng bị chèn ép, gây đau lưng.
Một số phụ nữ trong lần mang thai thứ hai thường cảm nhận thấy sự lỏng lẻo của các cơ vùng bụng. Đó là vì các cơ này đã bị mềm đi ở lần mang thai đầu tiên.
Điều này có thể gây nên những cơn đau lưng vào giai đoạn cuối thai kỳ. Nếu bé nằm trong bụng với vị trí lưng của bé ngược lại lưng của mẹ thì nó sẽ gây sức ép lên vùng xương lưng của người mẹ.
Không ít thai phụ ưa chuộng cách ngồi bệt, cố định gót chân xuống sàn nhà, chống hai tay ra phía đằng sau để giữ trọng lượng cơ thể. Kết quả, kiều ngồi này sẽ khiến vùng lưng phía dưới bị đặt trong tình trạng căng thẳng và gây đau.
Ngoài ra, tư thế đứng, di chuyển hoặc nhấc đồ vật không đúng cách cũng có khả năng gây tổn thương đến các cơ chằng vùng lưng. Nếu đứng, ngồi sai tư thế liên tục thì khả năng bị đau lưng của bạn càng lớn hơn; chẳng hạn, bé sẽ cảm nhận những cơn đau lưng rõ nét hơn khi bạn nhấc một vật nặng hoặc thực hiện những động tác xoắn lưng.
Thỉnh thoảng, chứng đau lưng có liên quan đến chứng đau thần kinh tọa: xuất hiện những cơn đau nhói ở phía mông và phía sau một bên chân. Nguyên nhân có thể do các dây chằng ở vùng lưng và cả xương chậu của bạn đã bị giảm chức năng.
Khi thai nhi dần phát triển, trọng tâm của cơ thể bà bầu dồn về phía trước nên thai phụ thường ưỡn ngực về phía sau để cơ thể không bị chồm trước quá nhiều. Điều này có thể làm phần cơ ở vùng phía dưới lưng bị kéo căng gây đau. Do vậy, bà bầu cần chỉnh sửa tư thế đúng bằng cách hạ mông xuống, kéo thẳng hai vai về phía sau và đứng thẳng, vươn người lên cao.
Massage vùng lưng dưới cũng làm dịu cảm giác đau và mỏi. Bà bầu có thể ngồi áp mặt vào lưng ghế hoặc nằm nghiêng và nhờ người thân massage các cơ chạy dọc hai bên cột sống hoặc tập trung vào vùng lưng dưới. Tắm nước ấm, chườm khăn nóng hay sử dụng các tia nước ấm của vòi hoa sen xịt vào những vùng bị đau giúp giảm bớt cơn đau.
Để hỗ trợ nâng đỡ bụng bầu, có thể sử dụng đai đeo bụng loại chuyên dùng cho phụ nữ mang thai. Nếu phải ngồi làm việc với máy tính, nên đảm bảo ghế ngồi êm và phân bố trọng lượng của bạn đều khắp mông. Không nên mang giày cao gót vì chúng làm ảnh hưởng dáng đi lẫn khiến bạn có xu hướng nghiêng người ra trước nhiều hơn tư thế bình thường. Tốt nhất là mang giày thấp và có hỗ trợ vòm chân.
Khi ngủ nên nằm nghiêng, tốt nhất nghiêng sang trái, không được nằm ngửa khi ngủ. Có thể đặt thêm gối ở giữa hai đầu gối và vùng xung quanh bụng hoặc sử dụng gối ôm dài. Biện pháp này giúp bạn giảm cơn đau lưng khá hiệu quả. Bạn cũng nên kiểm tra xem tấm nệm đang nằm có hỗ trợ tư thế ngủ không. Nếu nệm lún và không thể giữ cột sống bạn thẳng thớm thì nên đổi tấm nệm khác. Hoặc bạn có thể đặt dưới nệm tấm gỗ phẳng để hỗ trợ.
Khi ngồi nên ở tư thế thật vững sao cho hai chân có thể nâng lên nhẹ nhàng. Chọn ghế ngồi có phần tựa và đặt thêm chiếc gối nhỏ phía sau lưng. Chú ý thay đổi tư thế, vị trí thường xuyên, tránh đứng quá lâu. Nếu phải đứng, hãy lần lượt trụ trên một chân để chân còn lại nghỉ ngơi và đổi chân trụ thường xuyên.
Những bài tập trên sàn dành cho vùng xương chậu và vùng bụng dưới giúp hạn chế các cơn đau lưng khi mang thai. Để việc luyện tập được an toàn và dễ dàng, bà bầu cần tham khảo sự tư vấn và làm theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa. Chú ý thư giãn các cơ thật chậm sau khi kết thúc luyện tập. Bà bầu cần rèn luyện chế độ sinh hoạt cân bằng giữa ăn uống, lao động và nghỉ ngơi, tránh để cơ thể mệt mỏi hay quá sức, đồng thời bổ sung canxi theo hướng dẫn của bác sĩ thì những triệu chứng đau sẽ giảm.