Nhiều người đặt ra câu hỏi nên làm gì để thoát thân nếu không may ở hoàn cảnh đó?
Trao đổi với PV, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng thông thường, đối tượng không tấn công ngay, mà sẽ buông lời tán tỉnh, đặc biệt là hỏi số điện thoại, địa chỉ nhà, tên tuổi.
Trong tình huống đó, chị em phụ nữ nên trả lời, thay vì phớt lờ câu hỏi của chúng. Tuy nhiên, chỉ nên nói những thông tin không chính xác và cố gắng kéo dài thời gian cho đến lúc cửa thang máy mở và chạy ra ngoài.
Nếu đối tượng gọi luôn, phát hiện số máy sai, hãy đọc lại số cho hắn và kéo dài thêm thời gian. Trong thời gian đó, nạn nhân tìm cách di chuyển ra phía cửa thang máy, khi cửa mở ra thì chạy ra ngoài và kêu cứu.
Khi tấn công, các đối tượng xâm hại thường có xu hướng nhằm vào vùng kín hoặc hôn môi. Nạn nhân nên thủ sẵn tư thế, vắt chéo hai tay trước người. Khi có dấu hiệu bị tấn công, hãy dùng cả hai tay cố đẩy đối phương ra.
Trường hợp thấy kẻ tấn công có biểu hiện như say rượu hoặc ngáo đá, nạn nhân không nên tấn công ngay từ đầu, mà nên thương thuyết, kéo dài thời gian.
Thông thường, đối tượng không tấn công ngay, mà sẽ buông lời tán tỉnh, đặc biệt là hỏi số điện thoại, địa chỉ nhà, tên tuổi. (Ảnh minh họa).
“Tấn công chỉ là cách tự vệ vào phút cuối khi không thể làm gì được nữa” - TS Vũ Thu Hương tư vấn - “Khi đối phương có dấu hiệu nổi nóng, bạo lực, hãy cố gắng xoa dịu, đừng để hắn cảm thấy căng thẳng hay bị phản công. Phải xoa dịu nhiều hơn chống đối”.
Khi không may lâm vào tình huống tương tự, chị em phụ nữ có thể khéo léo hỏi thông tin của đối phương. Thậm chí, hãy chủ động đề nghị hỏi mượn điện thoại để lấy số liên lạc. Một cô gái ở Hong Kong (Trung Quốc) đã thoát khỏi xâm hại tình dục nhờ khen cơ thể hung thủ. Theo lời kể của nạn nhân, khi hung thủ cố tấn công, cô đã hết lời nịnh nọt, khen ngợi, sau đó đá vào “chỗ hiểm” của hắn rồi chạy thoát.
Bên cạnh những cách thức đối phó khi gặp “yêu râu xanh”, TS Vũ Thu Hương cũng chia sẻ thêm về cách xử lý khi bị người lạ theo dõi. Bà cho rằng nếu bị theo dõi, hãy cố gắng đi một cách bình thường về phía có công an và nói chuyện với họ. Trường hợp kẻ xấu không bỏ đi, nữ sinh có thể đề nghị công an đưa về nhà an toàn.
Bạn nữ hạn chế đi vào những nơi quá vắng, hoặc những lúc quá sớm hoặc quá tối. Nếu đi một mình trên đường vắng vào ban ngày, hãy tăng tốc và di chuyển đến chỗ đông người. Đến nơi đông người thì đột ngột dừng lại, như thế kẻ xấu sẽ bị quá đà và vượt quá, không kịp dừng lại.
Nữ tiến sĩ tâm lý có nhiều năm gắn bó với tư vấn phòng chống bạo lực học đường và xâm hại trẻ em khuyên rằng, sau khi thoát khỏi nguy hiểm, nạn nhân nên trình báo cơ quan chức năng và cảnh báo đến bạn bè.
Nếu sự việc xảy ra trong thang máy, hãy báo cơ quan quản lý toà nhà, xin trích xuất camera để xác minh danh tính hung thủ.
Khi mọi chuyện ổn thoả, bạn trẻ có thể nghỉ ngơi, đi du lịch để ổn định tâm lý. Một không gian mới, một trường mới sẽ giúp lấy lại tinh thần nhanh hơn. Nếu không có quá nhiều thời gian, bạn cũng có thể đến nơi yên tĩnh để lấy lại cân bằng.
Bà Hương nhận định đối tượng bị xâm hại nhiều nhất hiện nay là học sinh, những người còn ở độ tuổi phát triển về mặt tâm, sinh lý. Nếu không may bị xâm hại, phụ huynh cần phải động viên, chia sẻ, giúp đỡ và có biện pháp bảo vệ con em tránh khỏi những tình huống tương tự có thể xảy ra.