Phụ nữ bị phơi nhiễm dioxin trong không khí không chỉ có nguy cơ ung thư tăng mà còn sinh con trai ít hơn con gái. Đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Canada đối với 20.000 phụ nữ ở nước này. Nghiên cứu này – do các chuyên gia thuộc Trung tâm Môi trường và Sức khoẻ IntrAmericas (Canada), thực hiện – đã góp phần giải thích vì sao một số cộng đồng ở Canada sinh con gái nhiều hơn con trai.
Theo nhóm nghiên cứu, việc phơi nhiễm dioxin không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư mà còn dẫn đến tình trạng sinh nhiều con gái hơn con trai, bởi vì chất độc này làm mất cân bằng các nội tiết tố sinh dục.
Kết quả khảo sát cho thấy những phụ nữ bị phơi nhiễm dioxin trong phạm vi bán kính 25 km tính từ nguồn ô nhiễm đã sinh con gái nhiều hơn con trai. Đồng thời, việc phơi nhiễm từ lúc trẻ cũng dẫn đến nguy cơ ung thư tăng về sau trong cuộc đời của những phụ nữ đó.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng dioxin, thường phát sinh từ những nguồn như nhà máy lọc dầu, nhà máy giấy, lò nấu kim loại, v.v…, đã làm tỉ lệ sinh trai - gái từ 51/49 giảm xuống còn 46/54.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không chỉ những người sống trong những khu vực bị ô nhiễm bởi dioxin mới bị ảnh hưởng bởi chất độc này, mà người ta còn có thể bị nhiễm dioxin qua việc ăn các loại thực phẩm đã bị nhiễm dioxin.
Trước đây, Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ đã nghiên cứu về vấn đề này và nhận thấy rằng thịt, các sản phẩm sữa và cá nước ngọt có thể bị nhiễm dioxin nhiều hơn thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Và một cách tương đối thì thịt heo và thịt gà ít bị nhiễm dioxin hơn thịt bò và sữa.
Kết quả khảo sát cho thấy những phụ nữ bị phơi nhiễm dioxin trong không khí
đã sinh con gái nhiều hơn con trai. (Ảnhminh họa: breathepureair.com)