Phương pháp xác định niên đại mới: Một trong 10 Khám phá nổi bật của năm

  •  
  • 576

Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Oxford về phương pháp xác định niên đại mới đã được tạp chí Time bầu chọn là một trong 10 Phát minh khoa học của năm 2007. Phương pháp này đã được ứng dụng trên một chiếc sọ người nhằm tìm ra nơi xuất phát của tổ tiên gần nhất của loài người.

Chiếc sọ được phát hiện cách đây hơn 50 năm gần thị trấn Hofmeyr phía đông tỉnh Cape, Nam Phi. Theo một nghiên cứu trên tập san Science vào tháng giêng 2007, chiếc sọ này có tuổi thọ khoảng 36.000 năm. Phát hiện của các nhà nghiên cứu Oxford hợp tác với Đại học Stony Brook, New York đã đưa ra các bằng chứng di truyển học cho thấy loài người xuất phát từ hạ Sahara, châu Phi và di cư lên Cựu lục địa trong khoảng thời gian này.

Để thực hiện được điều này, nhóm nghiên cứu phải áp dụng phương pháp mới do Tiến sĩ Richard Bailey và cộng sự thuộc Trường Địa chất và Môi trường, Phòng thí nghiệm Khảo cổ và Khoa Khoa học Trái đất phát triển. Phương pháp xác định niên đại nhờ vào phóng xạ cacbon không thể áp dụng cho sọ Hofmeyr vì một lượng lớn cacbon đã bị thất thoát khỏi chiếc sọ khi bị vùi trong các lớp trầm tích.

Sọ Hofmeyr (Ảnh: PhysOrg)
Thay vào đó, các nhà khoa học đo mức độ phóng xạ được cát trong hộp sọ hấp thu. Họ đã sử dụng kết quả đo đạc đồng vị phóng xạ của đất kết hợp với một quá trình phức tạp chuyển đổi thông số phóng xạ từ ảnh chụp cắt lớp chiếc sọ để xác định thời điểm cát trong hộp sọ hấp thụ. Từ kết quả trên, các nhà nghiên cứu có thể xác định được chiếc sọ Hofmeyr đã bị chôn vùi suốt 36.000 năm.

Tiến sĩ Bailey phát biểu trên tạp chí Time: “Thật tuyệt vời khi công trình của chúng tôi nằm trong những phát hiện nổi bật nhất trong năm 2007. Kết quả này là sản phẩm của những nỗ lực hết mình của cả nhóm nghiên cứu mà mỗi người trong đó đều có những đóng góp hết sức giá trị. Tôi rất muốn thấy kết quả của những công trình nghiên cứu sử dụng phương pháp này và cũng mong chờ được áp dụng nó trong các công trình mới. Còn rất nhiều điều chưa được khám phá.”

Tiến sĩ cho biết thêm: “Rất nhiều khó khăn mà giới khoa học đang gặp phải trong quá trình tìm hiểu quá trình tiến hóa của loài người và giới tự nhiên nằm trong các giả thiết liên quan đến mốc thời gian của các sự kiện quan trọng. Đây là nguyên nhân vì sao các biện pháp xác định niên đại lại quan trọng trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau.”

Phát hiện này giữ vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu về các giai đoạn quyết định trong lịch sử tiến hóa của loài người, đặc biệt là khi hóa thạch người ở khu vực hạ Sahara, châu Phi cách đay từ 15.000 đến 70.000 năm vô cùng ít. Khoảng giữa thời kỳ này là thời gian xuất hiện của các công cụ đá, xương phức tạp và của các tranh vẽ ở khu vực hạ Sahara châu Phi. Con người hiện đại được phát hiện lần đầu ở châu Âu và Tây Á vào thời đại Hậu Đồ đá.

Công trình nghiên cứu tại Viện Max Planck ở Leipzig, Đức đã thiết lập những điểm tương đồng giữa sọ người Hofmeyr và các sọ người cùng thời Hậu Đồ đá tìm thấy ở châu Âu. Phát hiện trên cùng với phương pháp xác định niên đại mới là bằng chứng hùng hồn cho thuyết “Ngoại Phi” dựa trên di truyền học. Thuyết này cho rằng người hiện đại định cư ở Tây Á thời kỳ Hậu Đồ đá cũng có thể sống ở khu vực hạ Sahara cách đây khoảng 36.000 năm. Chiếc sọ người tìm thấy ở Nam Phi là bằng chứng khảo cổ đầu tiên giúp khẳng định giả thiết này.

Tuệ Minh (Theo PhysOrg)
  • 576