Pok-a-tok: Trò chơi bóng hiến tế khủng khiếp của người Maya

  •   45
  • 9.135

Bóng đá luôn là môn thể thao vua làm say mê hàng triệu con tim trên thế giới. Trước khi có những trận bóng như ngày nay, người Maya cổ đại cũng đã từng tổ chức các trận bóng đá tương tự. Điều khác biệt là trong các trận bóng của họ, các cầu thủ phải tranh đấu không chỉ thắng-thua mà còn là giữa sự sống và cái chết.

Người Maya cổ đại được cho là những người đầu tiên chơi môn bóng đá như ngày nay. Pok-a-tok, môn thể thao này được xem như một hình thức giải trí và thể hiện tín ngưỡng tôn giáo của cộng đồng.

Người Maya xây dựng các sân bóng trên khắp lãnh thổ, và ngày nay các sân bóng cổ vẫn còn tồn tại ở bờ biển vịnh Mexico. Trong lịch sử đã có khoảng 3000 trận bóng cổ đại diễn ra, và mỗi trận đấu đều là một nghi lễ hiến tế độc nhất vô nhị của người Maya.

Sân đấu bóng

Pok-a-tok: Trò chơi bóng hiến tế khủng khiếp của người Maya
Sân Chichen Itza

Sân đấu bóng được xây dựng theo hình chữ I, tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng của đế chế Maya. Sân đấu Chichen Itza là sân đấu lớn nhất và nổi tiếng nhất của người Maya với kích thước lớn hơn sân bóng ngày nay và bao gồm những bức tường được chạm khắc tỉ mỉ miêu tả diễn biến các trận bóng cũng như tục lệ hiến tế sau trận đấu. Kích thước sân bóng cũng khá đa dạng. Sân lớn nhất Chichen Itza dài 96,5m và rộng 30m, trong khi sân bóng ở Tikal chỉ dài 16m và rộng 5m.

Pok-a-tok: Trò chơi bóng hiến tế khủng khiếp của người Maya
Đĩa cầu môn

Hai bên sân có 2 bức tường dốc được dựng lên để ngăn bóng bay ra ngoài cũng như tăng độ nảy của bóng. Sân bóng thường được lát bằng thạch cao hoặc đá. Trên các bức tường có gắn 3 đĩa tròn có lỗ bằng đá để làm cầu môn, cách mặt sân vài mét. Các cầu thủ phải cố đưa bóng qua đĩa để chiến thắng.

Bóng

Bóng được dùng trong trò chơi là loại bóng cao su có độ nảy cao làm từ một loại cây bản địa - cây cao su. Các quả bóng đều được làm rỗng để nhẹ hơn và nảy tốt hơn. Một vài quả bóng có hộp sọ người ở trong và được quấn dây cao su ở ngoài. Hộp sọ được sử dụng để biểu trưng cho tính sống chết của trò chơi đấu bóng.

Pok-a-tok: Trò chơi bóng hiến tế khủng khiếp của người Maya
Bóng đá của người Maya

Kích thước bóng có thể từ bé như một quả bóng chày đến lớn hơn quả dưa hấu – tức là khoảng 3,6kg. Với kích thước như vậy, các cầu thủ phải rất cẩn thận khi bóng bay tới để tránh các chấn thương và gãy xương. Có thể thấy rằng, dù không bao gồm nghi lễ hiến tế thì trận đấu bóng cũng đã khá tàn nhẫn với các cầu thủ vì họ luôn vấp phải nguy cơ chấn thương rất cao và có thể mất mạng nếu bóng đập phải các vùng nguy hiểm.

Cầu thủ chơi bóng

Chỉ giới quý tộc mới có thể tham gia trò chơi, và số lượng người chơi cũng thay đổi ở các vùng khác nhau. Khi chơi bóng, các cầu thủ mặc Yuguito để bảo vệ đầu gối, cổ tay và giúp chạm bóng tốt hơn. Ngoài ra, các cầu thủ còn đeo Yoke quanh eo, một vật dụng làm bằng da để bảo vệ cơ thể và đỡ bóng và Manoplas (đá ở tay) để đánh bóng.

Pok-a-tok: Trò chơi bóng hiến tế khủng khiếp của người Maya
Trang phục chơi bóng của người Maya

Các cầu thủ phải đảm bảo giữ bóng trên không bằng cách sử dụng hông, người, cẳng chân hoặc cánh tay. Chạm bóng bằng bàn chân hoặc bàn tay không được chấp nhận. Họ phải đánh bóng vào tường hoặc vào người cầu thủ khác để giữ bóng và tạo cơ hội ghi bàn.

Nếu một cầu thủ ghi bàn, anh ta sẽ có quyền lấy một đồ trang sức quý giá của khán giả trên sân đấu. Thế nhưng với đội thua cuộc, kết cục bi thảm đang chờ họ phía trước - đó là cái chết.

Nghi lễ hiến tế sau trận bóng

Đối với đội thua cuộc, người đội trưởng sẽ là người phải chịu hình phạt dùng cái chết của mình để hiến tế cho thần linh. Đối với người Maya, việc hiến tế luôn luôn là cần thiết để duy trì sự thịnh vượng cho quốc gia và sức mạnh của dân tộc. Các tranh vẽ trên sân Chichen Itza cũng miêu tả cái chết của cầu thủ thua cuộc.

Pok-a-tok: Trò chơi bóng hiến tế khủng khiếp của người Maya
Tranh vẽ miêu tả lễ hiến tế cầu thủ sau khi thua cuộc

Đây có lẽ là hình phạt nặng nề nhất từng tồn tại trong một môn thể thao, nhưng nếu nhìn một cách tích cực thì người Maya xem đây là một nghi lễ tôn giáo thông thường, và người hiến tế luôn cảm thấy vinh dự khi có thể được hầu hạ thần linh và đem lại sự ấm no cho dân tộc mình.

Cập nhật: 21/09/2024 Theo ANTĐ
  • 45
  • 9.135