Quá kiêng cữ sau khi sinh chưa hẳn là tốt

  •  
  • 6.131

Dân gian có rất nhiều cấm kỵ dành cho sản phụ, chẳng hạn không được tắm rửa, không ăn gì ngoài thịt nạc và canh rau ngót... Tuy nhiên, quan điểm hiện đại cho rằng sự kiêng khem nghiệt ngã có thể gây ảnh hưởng xấu.

Hiện có khá nhiều quan điểm bất đồng trong việc phải kiêng cữ như thế nào ở thời kỳ hậu sản để không ảnh hưởng đến "ngọc thể" sau này. Nhiều phụ nữ sắp làm mẹ thật sự bối rối vì không biết kinh nghiệm dân gian hay y học hiện đại có hiệu quả tốt hơn.

Trao đổi kinh nghiệm giữ gìn sức khỏe sau sinh. (Ảnh: SGGP)
Dù thai mới được 6 tháng nhưng chị Kim Ngân đã được nhà ngoại giành phần "nuôi đẻ". Với kinh nghiệm sinh con 8 lần và nuôi đẻ cho rất nhiều con cháu, bà ngoại liệt kê cho chị Ngân đến hơn 1001 điều phải kiêng cữ sau khi sinh như: phải nằm than ít nhất là hai tháng cho ấm người; không được tắm gội trong thời gian "ở cữ"; phải nằm phòng kín gió nhưng không được mở quạt hay máy lạnh vì những thứ đó là khí độc nhập vào sẽ làm lạnh người; phải bịt kín tai bằng bông gòn để gió khỏi vào làm điếc tai về sau... Thực đơn chính cho "bà đẻ" bao gồm thịt, cá kho tiêu, kho quẹt thật mặn. Ăn mặn để uống nhiều nước, mà uống nhiều nước tức sẽ có... nhiều sữa. Món canh chủ yếu là đu đủ nấu giò heo vừa mát vừa bổ vừa có nhiều sữa...

Không riêng chị Kim Ngân, rất nhiều sản phụ trẻ đang hoang mang không biết có nên thực hiện những điều "răn" đó không, dù luôn bị nhắc là "muốn giữ được hạnh phúc gia đình nhất định phải kiêng cữ như vậy...". Ai dám lên tiếng bác bỏ những điều này sẽ bị mắng té tát vì cái tội "trứng mà đòi khôn hơn vịt", rằng "kinh nghiệm ông bà có trước hay bác sĩ có trước?"...

Cả bác sĩ Đông y và Tây y đều cho rằng, đúng là sản phụ không được làm một số điều trong thời kỳ hậu sản, nhưng không cần phải kiêng cữ quá nhiều như kinh nghiệm dân gian. Vì kiêng khem quá mức không có lợi cho sự hồi phục cơ thể sau sinh, trái lại còn có hại cho sức khỏe.

Bác sĩ Hồ Thị Ngọc, Trưởng khoa Sinh Bệnh viện Hùng Vương TP HCM, cho biết, việc bắt sản phụ kiêng rau cải, trái cây chua là rất phản khoa học vì gây thiếu nhiều chất cần thiết cho cơ thể, dẫn đến táo bón, cơ thể mệt mỏi lâu hồi phục; người cao huyết áp sẽ bị phù mình mẩy chân tay. Do đó, bác sĩ yêu cầu, sản phụ nên ăn uống bình thường, chỉ tránh các thức ăn có nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị hay quá cay.

Về vệ sinh, việc xông than, xông rượu... thật sự là không nên. Trong khói của than có CO2 rất hại cho sức khỏe; nếu sơ ý có thể làm sản phụ bị bỏng. Thực tế ghi nhận, có rất nhiều trường hợp sản phụ bị bỏng trong lúc xông. Vào mùa nóng, việc xông than, xông lửa sẽ làm nổi rôm, nổi sảy khắp người. Kinh nghiệm dân gian bắt sản phụ kiêng tắm sẽ làm ghẻ chóc phát triển... Để giữ gìn sức khỏe trong thời kỳ này, phòng sản phụ chỉ cần được thông thoáng, nhiều không khí và sạch sẽ. Vẫn có thể dùng quạt máy hay máy lạnh nhưng phải điều chỉnh ở mức độ thật nhẹ nhàng vừa phải.

Sản phụ cũng không cần phải kiêng cữ tắm gội quá lâu. Chỉ không nên tắm gội ở nơi có gió lùa khiến cơ thể dễ bị cảm lạnh. Cần chú ý vết mổ ở âm đạo để tránh nhiễm trùng. Tuyệt đối không thụt rửa âm đạo vì điều này có thể làm tổn thương, nhiễm trùng âm đạo, làm viêm nội mạc tử cung.

Sáu tuần sau khi sinh, cơ quan sinh dục của sản phụ sẽ trở về trạng thái bình thường. Sau 6 tuần hậu sản, người phụ nữ có thể áp dụng biện pháp ngừa thai. Nếu sinh bình thường không có vết mổ, sản phụ có thể tập thể dục nhẹ nhàng để cơ thể thích nghi trở lại với các sinh hoạt thường ngày. Đối với người sinh mổ phải đợi ít nhất 6 tháng mới có thể tập thể dục.

Hiện Đông y có những bài thuốc với công dụng giúp sản phụ thải nhanh các "độc tà" còn sót lại sau sinh ra ngoài, giúp mau chóng phục hồi sức khỏe, có nhiều sữa và những bài tập xoa bóp, vận động nhẹ nhàng tại chỗ để giúp máu huyết lưu thông được tốt.

Bác sĩ cũng khuyến cáo các bà mẹ đang cho con bú phải hạn chế tối đa việc dùng thuốc để không ảnh hưởng tới chất lượng sữa cũng như sức khỏe của em bé.

Mỹ Lan

Theo Vnexpress
  • 6.131