Quá trình quên được điều khiển trong não nhờ protein

  •  
  • 900

Trong quá trình điều hòa sức khỏe con người, "quên" 1 điều gì đó là quá trình không kém quan trọng so với việc "ghi nhớ". Nếu không có khái niệm "quên", toàn bộ những gương mặt mà chúng ta gặp trên phố, những từ đọc được, những đồ vật chúng ta liếc qua,... Tất cả đều được ghi vào trí nhớ và nhanh chóng tràn ngập khắp bộ não của chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa hiểu rõ vai trò cơ bản của hệ thần kinh đằng sau quá trình "quên". Gần đây, trong quá trình nghiên cứu loài giun đũa, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng có 1 loại protein mang tên musashi đã tham gia 1 cách chủ động vào quá trình quên.

Quá trình quên được điều khiển trong não nhờ protein

Kết quả của nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Cell mới đây. Theo đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những con giun đũa bị biến đổi gene làm mất đi protein musashi khiến chúng có khả năng ghi nhớ các mùi vị tốt hơn so với những cá thể bình thường. Các mùi vị sẽ được ghi nhớ tới 24 giờ sau đó trong khi những cá thể bình thường không thể làm được điều này.

Tiếp tục phân tích cho thấy rằng, các protein có vai trò cản trở việc sản xuất các phân tử ổn định synapses. Đây là các liên hợp thần kinh có nhiệm vụ liên quan tới việc hình thành và lưu giữ trí nhớ. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, loại protein mang tên adducin có khả năng kích thích sự phát triển của các synapse nhằm lưu trữ trí nhớ. Sự cân bằng của 2 quá trình đối lập nhau nêu trên sẽ quyết định những trí nhớ nào sẽ được lưu giữ. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học có thể biết được "nhớ-quên" là một quá trình có thể điều khiển một cách chủ động.

Quá trình quên được điều khiển trong não nhờ protein

Nghiên cứu kết luận rằng: "Sự mất cân bằng trong cơ chế này có dẫn đến việc rối loạn trong trí nhớ". Nghiên cứu trên chỉ dừng lại ở việc phát hiện trên động vật và còn quá sớm để có thể đưa ra kết luận trên người. Dù vậy, những kết quả ban đầu hết sức khả quan sẽ có triển vọng được mở rộng nghiên cứu trên người. Trong tương lai, nếu các nhà khoa học có thể hiểu được cơ chế "nhớ" và "quên" của con người, chúng ta sẽ có thể tìm được phương pháp chữa trị các bệnh như Alzheimer hay các bệnh lý khác về trí nhớ mà đến nay y học vẫn chưa tìm được cách điều trị cụ thể.

Theo Tinh Tế
  • 900