Quản lý VoIP: Thả nổi hay siết chặt?

  •  
  • 77

Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Hội nghị VoIP World Asia đã không tìm được tiếng nói chung trong việc đưa ra các quy định pháp lý đối với VoIP.

Theo các chuyên gia trong ngành, việc đưa ra các quy định cho VoIP, trong một chừng mực là cần thiết, nếu nó cho phép các công nghệ mới được tạo mọi điều kiện triển khai trên thị trường và cho phép các nhà cung cấp dịch vụ khai thác tối đa những tính năng mới của công nghệ. “Chúng tôi không quan tâm đến những quy định liên quan đến VoIP. Miễn là trong khuôn khổ những quy định đó, nếu chúng tôi có thể cải tiến công nghệ để cung cấp dịch vụ với giá rẻ nhất chúng tôi phải được đón chào vô điều kiện” - Jonathan Draluck, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh của iBasis - Nhà kinh doanh sỉ (wholesale) VoIP quốc tế, phát biểu tại Hội nghị.

Jonathan Draluck cho rằng ban đầu các nhà làm luật mong muốn các quy định pháp lý đối với VoIP có thể đảm bảo cho các công ty viễn thông có thị phần khống chế không còn được độc quyền trong việc cung cấp các dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, việc bãi bỏ các quy định và cho phép thị trường viễn thông tự do cạnh tranh cũng có thể đạt được mục đích tương tự. Việc siết chặt các quy định liên quan đến VoIP có thể ngăn cản cạnh tranh ở những những quốc gia mà thị trường viễn thông chưa mở cửa.

Để đảm bảo dung hòa các yêu cầu về quản lý và thúc đẩy cải tiến công nghệ, các nhà lập pháp cần phải trả lời các câu hỏi như: Liệu các nhà làm luật có yên tâm khi biết rằng một thị trường viễn thông tự do có thể làm một số ông lớn chiếm thị phần không chế không hài lòng? Liệu khách hàng có thể tiếp cận đến các dịch vụ khẩn cấp ở bất cứ nơi đâu hay không? Các Chính phủ can thiệp vào nội dung các cuộc điện thoại Internet bằng cách nào để ngăn chặn các hành vi phạm pháp? Liệu việc đưa ra các quy định pháp lý có ảnh hưởng xấu đến chất lượng dịch vụ hay không?

Hiện nay, các quy định đối với VoIP ở các quốc gia Châu Á rất khác nhau. Ủy Ban Viễn thông Quốc gia Philippines (NTC) đã bãi bỏ các quy định áp dụng cho VoIP của quốc gia này khi coi VoIP là một “dịch vụ giá trị gia tăng” – điều này đồng nghĩa với việc các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cũng có thể cung cấp dịch vụ VoIP mà không cần phải xin cấp phép. Trước khi có thay đổi này, VoIP ở Philippines được coi một dịch vụ thoại cơ bản và chỉ được cung cấp bởi các công ty viễn thông nhà nước.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, chính quyền đã ngăn chặn các cuộc gọi PC-to-Phone nhưng lại thả nổi đối với các cuộc gọi PC-to-PC.

Tại Hồng Kông, Cơ Quan quản lý Viễn thông (OFTA) cũng đã đưa ra những quy định đối với VoIP ngay khi Vùng lãnh thổ này được trao trả về cho Trung Quốc. Tuy nhiên điều mà Tập đoàn Viễn thông lớn nhất Hồng Kông PCCW lo ngại qua lời phát biểu của John Bradfield, Giám đốc phụ trách các vấn đề cạnh tranh và pháp lý, không phải là bản thân các quy dịnh mà là sự không nhất quán trong các quy định đó. Tại Hồng Kông, dịch vụ thoại cố định phải chịu ràng buộc bởi các quy định để đảm bảo chất lượng và an ninh, trong khi VoIP không bị ràng buộc bởi các quy định như thế.

Trong khi các nhà làm luật đang phải cân nhắc xem cần phải quản lý các dịch vụ VoIP ở góc độ nào thì Jonathan Draluck lại cho rằng chính sự bỏ ngỏ đối với các quy định liên quan đến VoIP ở Mỹ và Châu Âu đã thúc đẩy sự phát triển công nghệ ở hai khu vực này. “Hạn chế” là cụm từ không ai muốn nghe khi nói về VoIP vì chính điều này cản trở cạnh tranh.

Thông thường, những công ty viễn thông muốn chính phủ các nước đưa ra các quy định đối với VoIP là các công ty đang nắm giữ “chìa khóa của ngành” với lịch sử lâu đời cùng với hạ tầng mạng sẳn có. Các công này không muốn đầu tư phát triển công nghệ và dịch vụ mới cho đến khi nào họ thấy các đối thủ cạnh tranh trải qua tất cả các quy trình cấp phép để cung cấp dịch vụ - nhưng đó không phải cách kích thích cải tiến công nghệ. iBasis cho rằng mặc dù môi trường pháp lý dành cho VoIP chưa có gì chắc chắn nhưng Công ty vẫn sẳn sàng bỏ ra trăm triệu đô la nghiên cứu công nghệ mới.

Chắc chắn một điều là những tranh cãi xung quanh việc nên có hay không các quy định đối với các dịch vụ trên nền Internet nói chung và VoIP nói riêng sẽ là đề tài chính trong các hội nghị sắp tới.

Theo VietnamNet
  • 77