Quầng sáng lạ trên bầu trời Đà Lạt

  •  
  • 4.849

Trưa hôm qua, 13/5, trên bầu trời thành phố Đà Lạt xuất hiện hiện tượng “quầng mặt trời”.

Đây là một hiện tượng quang học tự nhiên nhưng hiếm thấy, do ánh sáng của mặt trời chiếu qua đám mây tầng cao, gọi là mây ti tầng Cirrostratus, ký hiệu Cs, là một loại mây mỏng, nói chung đồng nhất, hợp thành từ các tinh thể nước đá, có khả năng tạo ra các quầng.

Hiện tượng “quầng mặt trời” tại thành phố Đà Lạt
Hình ảnh ghi lại vào lúc 10 giờ 30 tại Đà Lạt. (Ảnh: Thụy Trang/NLĐ)

Khi nó có độ dày đủ lớn để có thể nhìn thấy thì nó có màu ánh trắng, thường không có các đặc trưng để phân biệt. Khi che phủ toàn bộ bầu trời và đôi khi là quá mỏng để có thể nhận thấy được, nó có thể chỉ ra sự hiện diện của một lượng lớn hơi ẩm trong tầng trên của khí quyển.

Mây ti tầng đôi khi là dấu hiệu của sự khởi đầu frông nóng và vì thế có thể là dấu hiệu cho sự giáng thủy có thể diễn ra trong vòng 12-24 giờ sau hoặc trong thời gian tới tại khu vực thời tiết có thể tốt lên, không mưa trong những ngày tới. Mây ti tầng nằm ở cao độ trên 6.000m. Thời gian quầng mặt trời có thể kéo dài trên một giờ.

Khi quầng mặt trời xuất hiện là biểu hiện thời tiết hiện tại đang diễn ra tại địa phương là tốt, không mưa, khô ráo, trời có nắng to. Quầng chỉ xuất hiện vào ban ngày (có mặt trời), hoặc ban đêm (có mặt trăng).

Quầng mặt trời hoặc mặt trăng là hiện tượng quang học, do ánh sáng của mặt trời hay mặt trăng chiếu qua đám mây tầng cao khoảng 600 – 8.000m. Do mây có cấu trúc là các tinh thể băng nên khi đó ánh sáng mặt trời, mặt trăng bị khúc xạ, sinh ra những vòng tròn.

Quầng mặt trời hay quầng mặt trăng có 7 màu như màu sắc của cầu vồng. Tuy nhiên, sự sắp xếp màu của quầng ngược lại với cầu vồng. Trong cùng là màu đỏ, tiếp đến là da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím.

Theo NLĐ
  • 4.849