Mỗi giây phút trôi qua, hàng ngàn vệ tinh được phóng lên trời, ở độ cao dao động từ vài trăm dặm đến hàng chục ngàn dặm. Con người đã chế tạo rất nhiều thứ để đưa vào không gian, và bạn có biết: khoảng 95% những thứ ở ngoài vũ trụ đều là rác?
Đó là các trạm không gian nằm ngoài tầm kiểm soát, những mảnh vỡ của tên lửa, những vệ tinh hư hỏng, vật dụng bị thất lạc của những nhà du hành và nhiều thứ như thế nữa.
Những “gara rác” nguy hiểm này di chuyển với tốc độ nhanh hơn đầu đạn gấp 10 lần, điều may mắn là phải mất thời gian dài chúng mới có thể đâm sầm vào Trái Đất.
Ông Bill Ailor - một kỹ sư về hàng không vũ trụ, nói: “Nhưng những mảnh vụn này có thể tồn tại trong không gian đến hàng trăm năm”. Và mọi thứ còn tệ hơn thế nữa!
Chỉ cần một va chạm nhỏ trong không gian, hàng nghìn mảnh vỡ có tốc độ cao và không thể kiểm soát sẽ là mối đe doạ nghiêm trọng cho tàu vũ trụ. Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu, hiện tại có khoảng 170 triệu mảnh vỡ lớn hơn 1mm của những mảnh sơn và bu lông dễ nổ đang lang thang quanh Trái Đất với tốc độ 10.000 mét/giờ.
Mỹ tạo ra nhiều rác nhất trong không gian. (Ảnh: ESA/D. Ducros).
“Phải mất nhiều năm để các quốc gia học được bài học về vấn đề này. Họ biết rằng mỗi khi tạo ra các mảnh vụn, họ đang gây nguy hiểm cho chính hệ thống của họ cũng như cho những người khác”, ông Taylor, người làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận về Hàng không cho biết.
Tờ Business Insider đã dựa vào dữ liệu từ Space-Track để tạo ra biểu đồ cho thấy 10 quốc gia có số vật thể được phóng lên không gian nhiều nhất, tính đến tháng 10 năm 2017. Biểu đồ chỉ ra, Nga là nước phóng vật thể lên không gian nhiều nhất với hơn 6.500 vật thể. Tuy nhiên, đây không phải là nước “thải” nhiều rác nhất trong vũ trụ. Chính Hoa Kỳ mới là quốc gia sở hữu danh hiệu “quốc gia bẩn nhất trong không gian”.
Người ta phát hiện được Nga có 3.961 mảnh vỡ trong không gian, còn con số này ở nước Mỹ là 3.999. Những đống rác này đều được tạo ra do hoạt động thăm dò vũ trụ của các nước.
Trung Quốc chỉ mới mở rộng chương trình không gian của mình vào gần đây, nhưng cũng đã kịp chạy đua để đứng vào vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng với 3.475 mẩu rác. Năm 2007, nước này đã phá hủy một vệ tinh trong một cuộc thử nghiệm vũ khí chống tên lửa. Động thái gây tranh cãi này đã tạo ra hơn 2.300 mảnh rác trong không gian, và hàng trăm ngàn mảnh quá nhỏ để có thể phát hiện được.
Tống khứ các tàu vũ trụ cũ kĩ ra khỏi quỹ đạo chính là chìa khóa để ngăn sự hình thành rác trong không gian. Hiện tại, nhiều cơ quan không gian và các tập đoàn đang xây dựng những tàu vũ trụ có chức năng quăng lưới để dọn rác.
Các quốc gia và tổ chức có lượng rác vũ trụ nhiều nhất. (Ảnh: Space Track).
Còn ông Ailor và những nhà nghiên cứu khác lại muốn phát triển công nghệ và phương pháp mới để xử lý những vật thể tiềm ẩn nguy hiểm này. Rác có thể được cột lại, đóng gói và kéo đi. "Tôi đề nghị tổ chức một cuộc thi giống như XPRIZE hay Grand Challenge, chúng ta sẽ trao thưởng lớn cho những người tìm ra cách hiệu quả nhất để loại bỏ đống rác rưởi này”, ông Ailor nói.
Mục tiêu cuối cùng của việc dọn sạch rác ngoài không gian là để ngăn chặn một thảm cảnh đen tối: khi có nhiều thứ trong vũ trụ, một vụ va chạm xảy ra có thể dẫn đến nhiều vụ va chạm khác. Vô số mảnh rác sẽ tiếp tục sinh ra từ những vụ đụng độ này – đây là điều hết sức nguy hiểm cho Trái Đất.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong việc loại bỏ các mảnh vụn không gian lại đến từ con người. Ông Ailor nói: "Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật, trong trường hợp này, quyền sở hữu là một thứ hết sức đau đầu. Chẳng hạn, những quốc gia khác không được phép đụng vào vệ tinh của Mỹ, và nếu chúng ta bám theo sau một vệ tinh, thậm chí người ta có thể coi đây là một hành động tuyên chiến".
Theo ông Ailor, các nước cần sớm thống nhất và đưa ra một hiệp ước chung, quy định về quyền và nghĩa vụ đối với các vật thể rác trong vũ trụ, nếu không, hậu quả sẽ rất khủng khiếp.