Australia vừa chào đón sự ra đời của những chú quỷ Tasmania, loài thú có túi ăn thịt thuộc họ Dasyuridae, sau khoảng 3.000 năm kể từ khi loài này biến mất khỏi lục địa.
Tin vui này đang làm dấy lên hy vọng về triển vọng thành công của kế hoạch tái thả và nhân giống quỷ Tasmania trong tự nhiên.
Loài quỷ Tasmania, loài thú có túi ăn thịt thuộc họ Dasyuridae. (Ảnh: cam.ac.uk).
Trong thông báo ngày 25/5, các nhà bảo tồn tại Vườn bách thú Aussie Ark và một liên minh các nhóm bảo tồn khác ở Australia cho biết 7 con quỷ Tasmania đã được sinh ra tại khu bảo tồn rộng 400 ha ở Barrington Tops, phía Bắc thành phố Sydney. Các nhân viên kiểm lâm đã kiểm tra túi của những con quỷ Tasmania cái và phát hiện những con con có tình trạng sức khoẻ tốt.
Thông tin trên được công bố trong bối cảnh năm ngoái các nhà bảo tồn đã thả 26 con quỷ Tasmania trưởng thành vào vùng hoang dã ở lục địa Australia, nơi chúng đã tuyệt chủng khoảng 3.000 năm trước. Các nhà bảo tồn khi đó mô tả đây là một dự án "lịch sử" tương tự sự xuất hiện trở lại của những con sói xám ở Vườn quốc gia Yellowstone của Mỹ trong những năm 1990 của thế kỷ trước.
Quỷ Tasmania chủ yếu được tìm thấy trong tự nhiên tại đảo Tasmania thuộc Australia. Hiện chúng là loài thú có túi ăn thịt lớn nhất trên thế giới sau khi loài hổ Tasmania tuyệt chủng vào năm 1936. Với kích thước chỉ bằng một con chó nhỏ, loài thú có túi ăn thịt này từng lang thang khắp Australia, nhưng được cho là đã tuyệt chủng ở khắp mọi nơi, trừ Tasmania, vào khoảng 3.000 năm trước. Chó hoang Dingo là nguyên nhân khiến quỷ Tasmania tuyệt chủng, vì loài chó này thường thắng khi tranh giành thức ăn do kích thước lớn hơn.
Quỷ Tasmania cảm thấy an toàn hơn khi ở Tasmania, nơi loài chó hoang Dingo chưa bao giờ đến. Nhưng trong những năm gần đây, chúng phải đối mặt với những mối đe dọa mới. Bệnh ung thư ở thú mặt quỷ (DFTD) là một dạng ung thư truyền nhiễm đầy bí ẩn, đã giết chết rất nhiều quỷ Tasmania, khiến chúng có nguy cơ tuyệt chủng.
Ước tính hiện còn chưa đến 25.000 con quỷ Tasmania tồn tại trong tự nhiên, giảm mạnh so với con số 150.000 con trước khi căn bệnh DFTD bùng phát với những ca tử vong đầu tiên ghi nhận vào giữa những năm 1990.