Ra mồ hôi: Bình thường hay bệnh lý?

  •   3,52
  • 796

Ra mồ hôi là một hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể ở con người và những động vật máu nóng. Hiện tượng này giúp điều hòa nhiệt độ của cơ thể giúp nhiệt độ luôn hằng định ở mức 370C và giúp thải các chất độc trong cơ thể. Hiện tượng ra mồ hôi chỉ bất thường khi nó ra quá nhiều ảnh hưởng tới hoạt động và tâm sinh lý của con người.

Đổ mồ hôi thực sự đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và sắc đẹp. Làn da của bạn là cơ quan lớn nhất trên cơ thể, và đóng một vai trò quan trọng giống như bất kỳ cơ quan khác của cơ thể. Ví dụ, đổ mồ hôi giúp cơ thể của bạn: duy trì nhiệt độ thích hợp và giữ cho bạn không bị quá nóng; thải độc tố, hỗ trợ tốt chức năng miễn dịch và giúp ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tình trạng quá tải độc chất; diệt một số loại virút và vi khuẩn; làm sạch các lỗ chân lông, điều này sẽ giúp loại bỏ mụn đầu đen và mụn trứng cá. Đổ mồ hôi được điều khiển bởi hệ thống thần kinh tự động, mà bạn không thể tự kiểm soát. Tuy nhiên, một số cảm xúc nhất định, chẳng hạn như: lo lắng, giận dữ, bối rối, hoặc sợ hãi, có thể khiến bạn đổ mồ hôi nhiều.


Bạn phải lau tay trước khi bắt tay ai đó?... Đó là một trong nhiều biểu hiện bạn bị đổ mồ hôi nặng.

Dấu hiệu ra mồ hôi bệnh lý

Tuy nhiên, bạn ra nhiều mồ hôi nhiều hơn người khác? Chỉ cần chạy bộ trên máy mới 5 phút, bạn đã ướt mướt? Bạn phải lâu tay trước khi bắt tay ai đó?... Đó là một trong nhiều biểu hiện bạn bị đổ mồ hôi nặng, là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý. Đổ mồ hôi “cục bộ” không phải là một bệnh lý, ảnh hưởng đến một phần của cơ thể: nách, háng, đầu, mặt, tay hoặc chân; và thường có biểu hiện đối xứng. Hiện nay, các chuyên gia cũng chưa xác định rõ nguyên nhân, tuy nhiên, có thể do một “sự cố nhỏ” trong hệ thống thần kinh và có tiền sử gia đình. Đổ mồ hôi quá nhiều như vậy cũng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khiến bệnh nhân bị giới hạn trong giao tiếp.

Một hiện tượng đổ mồ hôi toàn thân “thứ phát” ít phổ biến hơn thường do các bệnh khác gây ra, đặc biệt là đổ mồ hôi về đêm. Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Hoài Nam - Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM - ở trẻ con ra mồ hôi trộm có thể do nhiều nguyên nhân như: cường giao cảm, suy dinh dưỡng, thiếu canxi, sốt không rõ nguyên nhân... Còn ở người lớn, những bệnh hay gây tăng tiết mồ hôi là bệnh rối loạn thần kinh thực vật, cường hệ thống giao cảm, béo phì, gầy suy dinh dưỡng, các bệnh truyền nhiễm như: bệnh lao, ung thư (như bệnh bạch cầu và u lympho), đái tháo đường, mãn kinh, mang thai, nghiện rượu, bệnh Parkinson, viêm khớp dạng thấp, đột quỵ, suy tim, đặc biệt là cường giáp... Lạm dụng một số thuốc cũng có thể gây ra đổ mồ hôi thứ phát, bao gồm: một số loại thuốc hướng tâm thần, thuốc điều trị huyết áp hay bổ sung vi chất.

“Đối với hội chứng cường giáp, do sự gia tăng của các loại hormone tuyến giáp như: T3, T4 trong máu. Chúng làm gia tăng tốc độ chuyển hóa cơ bản của cơ thể làm gia tăng nhịp tim, gia tăng chuyển hóa của các tế bào làm tăng nhiệt độ của cơ thể và nhu cầu thải các chất độc là sản phẩm của quá trình hoạt động của tế bào. Do đó làm gia tăng mức bài tiết mồ hôi", BS. Hoài Nam giải thích.

Khi nào cần đi khám?

Bạn cần đi khám ngay khi: ra mồ hôi nhiều vào ban đêm (sáng ngủ dậy, bạn thấy áo gối hoặc chỗ nằm còn ẩm); vã mồ hôi toàn thân không chỉ riêng nách, háng, lòng bàn tay, bàn chân, hoặc chỉ đổ mồ hôi ở một bên cơ thể; đột ngột ra nhiều mồ hôi; đổ mồ hôi kèm theo các triệu chứng khác, như mệt mỏi, mất ngủ, khát nước, đi tiểu nhiều, hoặc ho… Thậm chí, khi mồ hôi ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, bạn cũng nên đi khám bác sĩ, và đừng quên cầm theo các loại thuốc hay thực phẩm bổ sung bạn đang uống để bác sĩ kiểm tra và cho bạn làm các xét nghiệm chuyên khoa.

BS. Hoài Nam khuyến cáo, chẩn đoán nguyên nhân tăng tiết mồ hôi khá phức tạp cần phải có sự khám bệnh kỹ càng của bác sĩ có trình độ chuyên môn mặc dù có một vài triệu chứng gợi ý nhưng phần lớn là chung chung và không có giá trị thật sự. Bên cạnh đó, việc điều trị tăng tiết mồ hôi đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì lâu dài và điều trị căn bệnh gây tăng tiết mồ hôi như: hạn chế béo phì, hạn chế suy dinh dưỡng, điều trị rối loạn thần kinh thực vật, điều trị lao, đái tháo đường... Các yếu tố có thể thay đổi để phòng ngừa tăng tiết mồ hôi bằng cách giảm cân nặng để tránh béo phì, làm việc và sống trong môi trường không quá nóng, tránh các bệnh gây nên tăng tiết mồ hôi.

Cập nhật: 19/10/2018 Theo SKĐS
  • 3,52
  • 796