Ra quyết định có thể là một hoạt động vô thức

  •  
  • 1.314

Trái với những gì chúng ta vẫn tin tưởng, việc ra quyết định có thể là một quá trình do các hoạt động tinh thần vô thức điều khiển phần lớn. Một nhóm các nhà khoa học đã khám phá bằng cách nào bộ não thực sự đã chuẩn bị cho chúng ta một quyết định vô thức. Thậm chí chỉ vài giây trước khi chúng ta có ý thức ra một quyết định thì kết quả đó có thể dự đoán được từ những hoạt động vô thức trong não.

Điều này đã được chứng minh qua một công trình của các nhà khoa học thuộc Viện Max Planck - Viện Khoa học Não bộ và Nhận thức ở người tại Leipzig, hợp tác với Bệnh viện Đại học Charité và Trung tâm Khoa học thần kinh điện toán Bernstein tại Berlin. Các nhà khoa học thuộc nhóm của Giáo sư John-Dylan Haynes sử dụng máy chụp cắt lớp bộ não để điều tra những gì diễn ra trong não người ngay trước khi người ta ra quyết định.

 “Nhiều tiến trình trong não diễn ra tự động và không có sự can thiệp của ý thức chúng ta. Nó ngăn cho não không bị quá tải vì những nhiệm vụ đơn giản hàng ngày. Nhưng khi chúng trở thành các quyết định, ta lại thường cho rằng chúng được đưa ra một cách có ý thức. Đây là điều mà công trình hiện tại của chúng tôi nghi ngờ.”

Trong công trình nghiên cứu được xuất bản trên tờ Nature Neuroscience này, những người tình nguyện có thể tự do quyết định xem họ muốn nhấn nút bằng tay phải hay tay trái. Họ có quyền quyết định thực hiện điều này bất cứ lúc nào họ muốn, chỉ cần họ ghi nhớ thời điểm họ quyết định. Mục tiêu của thí nghiệm này là phát hiện ra điều gì diễn ra trong bộ não trong giai đoạn ngay trước khi con người cảm nhận họ đã nhất trí. Thường thì các nhà khoa học tìm hiểu điều gì diễn ra khi đưa quyết định, chứ không phải vài giây trước đó. Sự thực là việc quyết định có thể được dự đoán trước khi đưa ra khá lâu là một phát hiện đáng ngạc nhiên.

Những vùng não màu xanh là nơi mà từ đó quyết định của một tình nguyện viên có thể dự đoán trước khi nó được đưa ra. Ảnh trên cho thấy hình ảnh 3 chiều phóng lớn của một hình mẫu hoạt động não trong vùng não thông tin. Các công cụ phân loại mẫu dựa vào máy tính có thể được luyện để nhận biết những vi mẫu điển hình xảy ra chỉ ngay trước khi tình nguyện viên quyết định trái hay phải. Các công cụ này có thể được sử dụng để dự đoán kết quả một quyết định 7 giây trước khi cá nhân tin rằng mình đã quyết định hoàn toàn có ý thức. (Ảnh: John-Dylan Haynes)


Dự đoán chưa từng có tiền lệ về quyết định tự do này trở thành hiện thực nhờ các chương trình máy tính phức tạp được tạo ra để nhận diện các mẫu hoạt động não điển hình diễn ra trước một trong hai lựa chọn. Các vi mẫu hoạt động trong phần vỏ não vùng cực trán có thể dự đoán các lựa chọn trước khi những tình nguyện viên biết họ sẽ chọn bên nào. Quyết định không thể đoán được một cách hoàn hảo nhưng khả năng dự đoán rõ ràng nằm trên mức ngẫu nhiên. Điều này cho thấy quyết định có thể được định trước một cách vô thức nhưng kết quả cuối cùng có thể đảo ngược được.

“Phần lớn các nhà nghiên cứu điều tra những gì diễn ra khi người ta phải quyết định ngay lập tức, điển hình là một lời phản ứng tức thì cho một sự kiện trong hoàn cảnh của chúng ta. Ở đây chúng tôi tập trung vào những quyết định thú vị hơn được đưa ra một cách tự nhiên và tự chủ hơn.”

Cách đây hơn 20 năm, một nhà khoa học chuyên về não người Mỹ tên Benjamin Libet phát hiện một loại tín hiệu não được gọi là “tiềm năng sẵn sàng” xảy ra trong một phần rất nhỏ của một giây trước khi quyết định ý thức được đưa ra. Thí nghiệm của Libet gây tranh cãi gay gắt vào thời đó và dấy lên một cuộc tranh luận rộng rãi. Nhiều nhà khoa học cho rằng nếu những quyết định của chúng ta được não bộ chuẩn bị vô thức thì cảm giác của chúng ta về “ý chí tự do” hẳn chỉ là ảo tưởng. Theo quan điểm này, thì chính não bộ ra quyết định chứ không phải tri giác nhận thức của con người. Thí nghiệm của Libet đặc biệt gây tranh cãi vì ông phát hiện chỉ một khoảng thời gian rất ngắn giữa hoạt động não bộ và quyết định có ý thức.

Ngược lại, Haynes và cộng sự giờ đây đã chứng minh hoạt động não bộ dự đoán một người sẽ quyết định như thế nào trong khoảng thời gian lên đến 7 giây trước khi điều này xảy ra. Nhưng họ cũng khuyến cáo rằng công trình này không loại trừ khái niệm ý chí tự do: “Công trình của chúng tôi chứng minh rằng quyết định được chuẩn bị một cách vô thức lâu hơn nhiều so với mọi người vẫn nghĩ. Nhưng chúng tôi vẫn chưa biết được quyết định cuối cùng được sinh ra ở đâu. Chúng tôi cần phải tìm hiểu liệu một quyết định do những vùng của não chuẩn bị vẫn có thể thay đổi được hay không.”

Bài báo tham khảo: Chun Siong Soon, Marcel Brass, Hans-Jochen Heinze & John-Dylan Haynes. “Các yếu tố quyết định vô thức những quyết định tự do trong não người.” Tạp chí Nature Neuroscience số ngày 13 tháng 04 năm 2008.

Tuệ Minh (Theo ScienceDaily)
  • 1.314