Rác thải điện như "quả bom hẹn giờ" quy mô toàn cầu

  •  
  • 2.102

Rác thải điện tử có thể gây rò rỉ hóa chất và kim loại nặng ra không khí, đất, nước và thực phẩm, được ví như quả bom hẹn giờ đối với sự sống của trái đất.

"Tôi có thể gọi đó là một quả bom hẹn giờ quy mô toàn cầu", giáo sư Ming Wong, giám đốc Viện nghiên cứu Croucher về khoa học môi trường tại đại học Baptist Hong Kong phát biểu trong hội nghị CleanUp 2013, phát biểu. "Cần phải hành động ngay để ngăn chặn các loại rác thải điện tử độc hại đang không ngừng mở rộng trên trái đất".

Có khoảng 50 triệu tấn chất thải điện tử con người tạo ra mỗi năm và chỉ một phần nhỏ trong số đó được xử lý an toàn. Đây là dòng chất thải gia tăng nhanh nhất thế giới, tăng từ 3-5% mỗi năm vòng đời ngắn của các thiết bị điện tử và máy tính (trung bình 2-6 năm).

Rác thải điện như "quả bom hẹn giờ" quy mô toàn cầu
Rác thải điện tử. (Ảnh: earthtechling)

"Hóa chất độc hại phát sinh trong quá trình đốt các chất thải điện tử bao gồm PCDD, PBDEs, PAHs, PCBs, kim loại nặng, chúng dẫn đến ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước, thực phẩm và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống con người. Một số hóa chất tích tụ trong cá, sau đó được giao dịch tại địa phương và trên toàn thế giới, khoa học đã chứng minh nguy cơ hóa chất độc hại truyền cho các thế hệ tiếp theo, khi em bé còn trong bụng mẹ hoặc tiếp nhận qua sữa mẹ", ABC dẫn lời ông Wong cho hay.

"Ở một số quốc gia, việc xử lý chất thải điện tử trong bãi chôn lấp tạo ra nhiều nước thải rò rỉ với nồng độ cao của hóa chất chống cháy và kim loại nặng. Chúng phát tán qua đất, nước ngầm, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến con người".

"Hiện nay, nhiều nước phát triển thường gửi chất thải điện tử sang các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi để tái chế, tận dụng lợi thế chi phí thuê lao động rẻ hơn và quy định về môi trường thấp hơn ở những quốc gia này", ông nói thêm.

Giáo sư Ming Wong cho biết các nhà sản xuất cần thiết kế sản phẩm để chúng có thể tháo dỡ thành nhiều bộ phận đem đi tái sử dụng, bảo vệ nguồn tài nguyên có giá trị và giảm chất thải điện tử. Các quốc gia phải chịu trách nhiệm về chất thải điện tử của riêng mình, hạn chế và ngăn chặn việc xuất khẩu chất thải điện tử sang các nước khác.

Nhưng vấn đề lớn hơn vẫn là tiêu dùng. "Chúng ta không thể tiếp tục sử dụng các thiết bị điện tử như hiện nay, đó là không bền vững", tiến sĩ Mariann Lloyd-Smith từ mạng lưới Nghiên cứu chất độc Quốc gia Australia nói.

Bà cũng cho rằng, những động thái để tiếp cận phương pháp chiến lược quản lý hóa chất quốc tế (SAICM) sẽ khiến các công ty nghiên cứu làm tăng tuổi thọ cho máy tính cũng như cải tiến thiết kế để chúng có thể được tái chế bền vững.

Theo VNE
  • 2.102