Nhờ chủ nhà cẩn thận theo dõi, thợ bắt rắn biết chính xác vị trí của rắn đuôi chuông dù nó ẩn nấp và ngụy trang tốt.
Rattlesnake Solutions, công ty cung cấp dịch vụ kiểm soát và bắt rắn đuôi chuông ở bang Arizona, Mỹ, hôm 12/11 đăng ảnh chụp một dốc đá lên mạng xã hội và đưa ra thử thách tìm con rắn trốn trong hình. Tuy nhiên, khả năng ẩn nấp và ngụy trang của rắn đuôi chuông lưng hình thoi phương tây (Crotalus atrox) khiến nhiều người phải chịu thua.
Rắn đuôi chuông ẩn mình khéo léo trên dốc đá ở bang Arizona, Mỹ. (Ảnh: Rattlesnake Solutions)
Thợ bắt rắn Dave Holland được gọi đến đây sau khi chủ nhà phát hiện vị khách không mời. "Con rắn dài hơn một mét và cuộn tròn dưới tảng đá lớn ở trước một chiếc hang của động vật gặm nhấm. Chủ nhà theo dõi con rắn từ một khoảng cách an toàn cho đến khi tôi tới. Vì vậy, chúng tôi biết chính xác nó ở đâu", anh kể lại.
"Quá trình bắt rắn diễn ra nhanh chóng và dễ dàng. Điều duy nhất khiến tôi lo ngại là nó có thể chui vào hang và thoát thân", Holland cho biết. Anh cho rằng nhiều khả năng nó nằm dưới tảng đá để làm mát cơ thể trong thời tiết nắng nóng. Con vật sau đó được thả về vùng hoang dã.
Rắn đuôi chuông lưng hình thoi phương tây thường nằm cuộn tròn trong bóng râm để tránh nóng, theo Bảo tàng Sa mạc Arizona-Sonora. Vào mùa đông, chúng chui vào những chiếc tổ giống như hang để ngủ đông.
Thử thách của Rattlesnake Solutions cho thấy người dân có thể dễ dàng đi qua sinh vật nguy hiểm này mà không phát hiện. Tổ chức Nature Mapping Foundation cho biết, chúng cắn hàng trăm người mỗi năm. Chúng sẽ cuộn mình lại và rung chuông một cách dữ dội khi bị đe dọa. Chuông được sử dụng như một tín hiệu phòng thủ và cảnh cáo hãy tránh xa.
Rắn đuôi chuông lưng hình thoi phương tây có thể tấn công người nếu cảm thấy nguy hiểm, nhưng thường chúng chỉ thích săn động vật có vú nhỏ, chim, cá và các loài bò sát khác, theo Khoa Động vật học thuộc Đại học Michigan. Trong vài giây, chúng có thể để lại vết cắn chết chóc bằng cách tiêm nọc độc vào con mồi.
Nọc của rắn đuôi chuông lưng hình thoi phương tây chứa nhiều chất độc hại như hemotoxin, cytotoxin và myotoxin. Vết cắn của chúng có thể gây chảy máu nghiêm trọng, cả bên trong lẫn bên ngoài. Sưng tấy, bầm tím, phồng rộp và các tổn thương da khác cũng xảy ra phổ biến. Nếu không chữa trị, vết cắn của chúng có tỷ lệ gây tử vong tới 20%.