Một phương pháp mới vừa đơn giản vừa rẻ tiền để theo dõi sức khỏe tâm thần của những người bị trầm cảm và lo lắng chính là… thu thập và phân tích ráy tai của họ, từ đó có số liệu về mức độ hormone căng thẳng cortisol của bệnh nhân.
Cortisol là một loại hormone quan trọng sẽ tăng đột biến khi một người căng thẳng và hormone này sẽ giảm sút khi họ thư giãn. Cortisol thường tăng cao liên tục ở những người bị trầm cảm và thường xuyên lo lắng, mức độ cao liên tục của cortisol có thể có tác động tiêu cực đến hệ thống miễn dịch, huyết áp và các chức năng khác của cơ thể.
Ngoài ra còn có những rối loạn khác liên quan đến việc hormone cortisol tăng bất thường, bao gồm bệnh Cushing (do cortisol được sản xuất quá mức) và bệnh Addison (do thiếu hụt cortisol). Những người mắc bệnh Cushing có chất béo tích tụ bất thường, hệ thống miễn dịch suy yếu và xương giòn. Còn những người bị bệnh Addison lại có huyết áp thấp ở mức nguy hiểm.
Thu thập và phân tích ráy tai, từ đó sẽ có số liệu về mức độ hormone căng thẳng cortisol của bệnh nhân.
Có rất nhiều cách để đo cortisol: trong nước bọt, trong máu, thậm chí trong tóc. Nhưng các mẫu nước bọt và máu chỉ thu được trong thời gian ngắn và cortisol dao động đáng kể trong ngày. Ngay cả trải nghiệm lấy kim chọc hút máu cũng có thể làm tăng căng thẳng và do đó làm tăng nồng độ cortisol. Mẫu tóc có thể cung cấp ảnh chụp nhanh về cortisol trong vài tháng thay vì vài phút, nhưng phân tích mẫu tóc lại tốn kém.
Thay vào đó, Andrés Herane-Vives, một giảng viên tại Viện Khoa học Thần kinh Nhận thức và Viện Khoa học Tâm thần của Đại học London, và các đồng nghiệp của ông lại hướng về tai. Ráy tai thường ổn định và có khả năng chống nhiễm vi khuẩn, vì vậy nó có thể dễ dàng chuyển đến phòng thí nghiệm để phân tích.
Tuy nhiên, các phương pháp lấy ráy tai trước đây liên quan đến việc chọc ống tiêm vào tai và xả sạch bằng nước, điều này có thể gây đau và căng thẳng. Vì vậy, Herane-Vives và các đồng nghiệp của ông đã phát triển một miếng gạc giúp lấy ráy tai dễ dàng hơn, không gây lo lắng cho người bệnh. Miếng gạc có một tấm chắn xung quanh tay cầm để mọi người không thể đẩy gạc quá sâu vào tai và làm hỏng màng nhĩ, còn có một miếng bọt biển ở cuối gạc để lấy ráy tai.
Trong một nghiên cứu thí điểm nhỏ, các nhà nghiên cứu đã thu thập máu, tóc và ráy tai từ 37 người tham gia ở hai thời điểm khác nhau. Tại mỗi điểm thu gom, họ lấy mẫu ráy tai bằng ống tiêm từ một bên tai và ở tai bên kia, họ lấy ráy tai bằng cách ngoáy. Sau đó, các nhà nghiên cứu so sánh độ tin cậy của các phép đo cortisol từ ráy tai tự ngoáy với các phương pháp khác.
Họ phát hiện ra rằng cortisol tập trung nhiều trong ráy tai hơn là trong tóc, giúp việc phân tích dễ dàng hơn. Việc phân tích ráy tai tự ngoáy tai cũng nhanh hơn và hiệu quả hơn so với việc phân tích ráy tai từ ống tiêm, phải được làm khô trước khi sử dụng. Cuối cùng, lấy ráy tai cho thấy mức độ cortisol nhất quán hơn so với các phương pháp khác. Những người tham gia cũng cho biết việc tự ngoáy tai thoải mái hơn so với phương pháp dùng ống tiêm.
Các nhà nghiên cứu đã báo cáo phát hiện của họ vào ngày 2/11 vừa qua. Herane-Vives cũng đang thành lập một công ty có tên Trears để tiếp thị phương pháp mới. Trong tương lai, ông hy vọng ráy tai cũng có thể được sử dụng để theo dõi các hormone khác. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu cũng cần theo dõi thêm về bệnh nhân châu Á, vì đối tượng này đã bị loại khỏi nghiên cứu thử nghiệm do họ chỉ có ráy tai khô, bong tróc thay vì loại ráy tai ướt, dạng sáp.
"Sau thành công của nghiên cứu thử nghiệm này, nếu thiết bị của chúng tôi tiếp tục được giám sát kỹ lưỡng hơn trong các thử nghiệm lớn hơn, chúng tôi hy vọng sẽ chuyển đổi phương pháp chẩn đoán và chăm sóc cho hàng triệu người bị trầm cảm hoặc các tình trạng liên quan đến hormone cortisol như bệnh Addison và hội chứng Cushing và nhiều bệnh lý khác", ông nói trong một tuyên bố.