Rết khổng lồ săn dơi trong hang động

  •  
  • 282

Rết khổng lồ Amazon sử dụng chiến thuật bò lên trần hang và nọc độc cực mạnh để bắt những con dơi vô tình bay ngang qua.


Rết khổng lồ bắt gọn dơi đậu trong hang. (Video: Life Underground)

Rết khổng lồ Amazon (Scolopendra gigantea) là loài rết lớn nhất thế giới, dài hơn 30 cm và phàm ăn. Trang bị nọc độc cực mạnh, chúng tiến hóa để trở thành những chuyên gia săn dơi, theo IFL Science.

Trong một nghiên cứu vào năm 2005, các nhà khoa học đến từ Đại học Andes cho biết rết S. gigantea săn 3 loại dơi ở Venezuela là Mormoops megalophylla, Pteronotus davyi, và Leptonycteris curasoae. Tuy S. gigantea có kích thước lớn nhất trong số các loài rết, dơi vẫn là con mồi di chuyển nhanh và lớn hơn đáng kể so với nó. Tuy nhiên, loài rết này đã phát triển hai chiến thuật để săn mồi thành công.

Giống như nhện mỏ, rết khổng lồ ưa ẩn náu trong hang động. Chúng thường bò lên thành và trần hang để tiếp cận những con dơi đang đậu. Chúng thậm chí có thể bắt dơi bay giữa không trung bằng cách treo mình trên trần hang và tóm nạn nhân kém may mắn trong tầm với. Chiến thuật thứ hai giúp rết chế ngự con mồi lớn là nọc độc cực mạnh. Cặp chân đầu tiên ở phần đầu rết biến đổi thành bộ phận giống chiếc càng gọi là forcipule, chuyên dùng để bơm nọc độc vào con mồi.

Rết khổng lồ dùng 5 cặp chân cuối cùng để treo lơ lửng, giữ chặt con dơi
Rết khổng lồ dùng 5 cặp chân cuối cùng để treo lơ lửng, giữ chặt con dơi.

Nhóm nghiên cứu từng chứng kiến một con S. gigantea bám vào trần hang trong khi ăn xác dơi M. megalophylla. Nó chỉ dùng 5 cặp chân cuối cùng để treo lơ lửng, giữ chặt con dơi bằng 8 cặp chân đầu tiên (bao gồm forcipule). Con rết bắt đầu ăn quanh cổ dơi, tiếp tục đến phần ngực, sau đó tới vùng bụng. Khi các nhà nghiên cứu thu thập hai mẫu vật, con rết đã ăn khoảng 35% khối lượng cơ thể dơi.

Dù rết khổng lồ là mối đe dọa lớn đối với dơi, rắn và nhiều động vật có xương sống nhỏ khác, chúng không quá nguy hiểm với con người. Vết chích của rết gây đau đớn, sưng vù, hoại tử mô và nhiễm trùng nhưng chưa đến mức gây chết người trừ khi bị đốt lần hai hoặc sốc phản vệ. Một nghiên cứu vào năm 2021 hé lộ nọc rết chứa protein độc lấy từ vi khuẩn và nấm. Loại trao đổi khác loài này xảy ra thông qua hiện tượng mang tên "chuyển gene ngang", thúc đẩy sự dịch chuyển của vật liệu di truyền giữa những tổ chức sinh vật ít liên quan.

Cập nhật: 19/07/2023 VnExpress
  • 282