Robot công vụ Hàn Quốc lao xuống cầu thang "tự sát"

  •  
  • 611

Robot công vụ làm việc tại một hội đồng ở Hàn Quốc không có phản ứng sau khi rơi xuống cầu thang cao hai mét, đánh dấu trường hợp robot "tự sát" đầu tiên tại nước này.

Một số viên chức, nhà khoa học và người dùng mạng tin rằng đây là “vụ tự tử đầu tiên của robot”. Họ tin nó đã tự ném mình xuống cầu thang sau khi quá chán nản với công việc giấy tờ. Các nhân chứng cho biết họ nhìn thấy nó xoay nhiều vòng quanh cầu thang rồi nhảy xuống và cho rằng nó đang suy sụp tinh thần.

"Viên chức vừa qua đời" tên là Robot Supervisor, được công ty Bear Robotics có trụ sở ở Mỹ sản xuất. Nhân viên trong tòa thị chính đã thu thập các mảnh vỡ và gửi về công ty để phân tích nguyên nhân "cái chết".

Không giống những robot thông thường, Robot Supervisor có khả năng di chuyển giữa các tầng, bấm thang máy, chuyển phát tài liệu, quảng bá các chính sách của thành phố cho cư dân. Các phương tiện truyền thông địa phương nhấn mạnh mối liên hệ giữa "hành vi tự sát của robot" với khối lượng công việc khổng lồ này. Chưa có nguyên nhân chính thức nào được công bố.

 Robot làm việc cho Hội đồng thành phố Gumi.
Robot làm việc cho Hội đồng thành phố Gumi. (Ảnh: AFP).

Tuy nhiên, các nhà khoa học lập luận robot cần có tri giác để thực hiện hành động sự sát. Đây là một chủ đề khoa học viễn tưởng được đưa vào phim ảnh trong hơn một thế kỷ. Gần đây, các nhà công nghệ lẫn triết học mới xem nó như vấn đề thực tế và nghiêm túc.

Jonathan Birch, giáo sư triết học tại LSE và là tác giả của cuốn The Edge of Sentience: Risk and Precaution in Humans, Other Animals, and AI (Tạm dịch: Ranh giới tình cảm: Rủi ro và ngăn chặn ở con người, động vật khác và AI), tin rằng chúng ta sẽ sớm thấy được thứ gọi là trí tuệ nhân tạo (AI) có "tri giác mơ hồ".

“Với khái niệm ‘tri giác mơ hồ’, một số người sẽ tin người bạn AI là sinh vật có nội tâm phong phú, có cảm xúc”, ông nói với Independent. “Ngược lại, vẫn có nhiều người tin chắc AI không có cảm xúc”.

GS Birch đã kêu gọi các công ty công nghệ thừa nhận rủi ro và tập trung nghiên cứu, nâng cao hiểu biết khoa học của người dân.

Được chọn vào tháng 8/2023, đây là một trong những robot đầu tiên trong thành phố sử dụng cho những mục đích trên. Sản xuất bởi Bear Robotics, một công ty khởi nghiệp robot phục vụ ở California, Mỹ, con robot làm việc từ 9 giờ sáng tới 6 giờ tối và có thẻ công chức riêng. Không giống những robot khác thường chỉ có thể sử dụng một tầng, robot ở Hội đồng thành phố Gumi có thể tự bấm thang máy và di chuyển giữa các tầng.

Hàn Quốc là một trong những nước tích cực sử dụng robot nhất trên toàn cầu. Nước này có mật độ robot cao nhất thế giới, cứ 10 nhân viên lại có một robot công nghiệp, theo Liên đoàn Robot Quốc tế. Hội đồng thành phố Gumi cho biết họ chưa có kế hoạch sử dụng robot công vụ thứ hai trong thời gian gần. Tuy nhiên, tai nạn dấy lên nhiều câu hỏi về các vấn đề đạo đức khi ứng dụng robot rộng rãi, đặc biệt ở những vị trí thường do con người phụ trách. Đồng thời, nhiều người bày tỏ lo ngại về khối lượng công việc và phúc lợi của robot trong lực lượng lao động.

Cập nhật: 11/12/2024 VnExpress/Znews
  • 611