Robot phi hành gia

  •  
  • 486

Các nhà khoa học Mỹ đã chế tạo một loại robot có thể làm việc chung với con người trong không gian.

Công trình của các chuyên gia thuộc Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) và tập đoàn General Motors (GM) được xem như một bước đột phá về công nghệ robot. Các nhà chế tạo tuyên bố Robonaut2, hoặc R2, là “robot khéo tay nhất thế giới”.

R2, với thiết kế mô phỏng hình dạng con người từ phần eo trở lên, có thể làm cùng một chỗ, đảm trách cùng một công việc, đôi khi sát cánh cùng với con người. Robonaut2 là thế hệ mới nhất của Robonaut, do NASA và Cơ quan dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ chế tạo để làm những việc thông thường của các phi hành gia. R2 mô phỏng thân người, đầu, cánh tay, tay và chân.

Theo Doug Cooke, trợ lý giám đốc hội đồng phụ trách sứ mệnh các hệ thống thăm dò thuộc NASA ở Washington, R2 có thể hỗ trợ phi hành gia trong các phi vụ nguy hiểm, sử dụng các công nghệ hàng đầu về kiểm soát, cảm biến và quan sát.

“Công nghệ robot vượt trội này rất hứa hẹn không chỉ với NASA mà cả cho nước Mỹ”, ông nói. Trong khi đó, Mike Coats - Giám đốc Trung tâm Không gian Johnson ở Houston, nơi chế tạo robot trên - những thiết bị như Robonaut “sẽ mở rộng năng lực xây dựng và khám phá của con người”.

Theo NASA, GM tham gia vào việc chế tạo R2 theo một thỏa thuận với Chính phủ Mỹ nhằm thúc đẩy việc phát triển thế hệ robot và các công nghệ robot kế tiếp. Quá trình nghiên cứu và chế tạo R2 kéo dài 3 năm. Hiện NASA và GM đang nghiên cứu nhiều “giải pháp cơ động”, chẳng hạn như chân, cho loại robot trên, nhưng các phiên bản trong tương lai có thể di chuyển trên bánh xe hoặc có thể chỉ có 1 chân.

Theo Thanh Niên (Times of India, MSNBC)
  • 486