Rượu pha nước tăng lực nguy hiểm như thế nào?

  •   54
  • 3.075

Việc pha rượu với nước tăng lực là một trào lưu thường được ưa chuộng trong giới trẻ. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy điều này nguy hiểm hơn việc uống rượu không, hay pha rượu với rượu theo truyền thống.

Thông thường, khi uống rượu, cơ thể sẽ dần trở nên mệt mỏi để bạn biết điểm dừng. Tuy nhiên, khi có thêm nước tăng lực - chứa hàm lượng caffeine cao, bạn lại trở nên tỉnh táo và thường không đánh giá được mức say của mình. Mức giới hạn caffeine một ngày của người trưởng thành khỏe mạnh là 400mg, và mức cồn giới hạn là 2 đơn vị, tuy nhiên khi trộn hai thức uống này với nhau, người dùng thường vượt quá mức cho phép.

Các bạn trẻ thường thích pha rượu với nước tăng lực.
Các bạn trẻ thường thích pha rượu với nước tăng lực. (Ảnh: Telegraph).

Theo nghiên cứu trên tạp chí Adolescent Health (Sức khỏe Thanh thiếu niên) năm 2013, người uống rượu pha nước tăng lực thường có xu hướng uống nhiều rượu hơn, uống trong thời gian lâu hơn và có mức cồn trong máu tăng cao hơn so với việc chỉ uống rượu không. Caffeine trong nước tăng lực ức chế tính gây buồn ngủ của rượu, khiến người uống vẫn tỉnh táo trong khi đáng lẽ đã say, ngất đi và ngừng uống. Điều này khiến nguy cơ ngộ độc rượu tăng cao.

Nước tăng lực không có tác dụng làm giảm lượng cồn trong máu của người uống hay làm giảm tác động của rượu lên khả năng nhận thức và phản ứng,. Nghiên cứu đăng trên tờ Human Psychopharmacology cho thấy rượu pha nước tăng lực làm giảm khả năng nhận thức.

Việc pha rượu với nước tăng lực khiến người dùng kéo dài thời gian uống và dễ có nguy cơ ngộ độc.
Việc pha rượu với nước tăng lực khiến người dùng kéo dài thời gian uống và dễ có nguy cơ ngộ độc. (Ảnh: News).

Ngoài ra, hỗn hợp này còn có thể gây ra nhiều tác hại như thời gian say dài hơn, đau đầu, tiêu chảy, nôn, nhịp tim tăng, mệt mỏi, chuột rút, rối loạn giấc ngủ và phán đoán sai.

Theo nghiên cứu trên tờ Academic Emergency Medicine, việc uống rượu pha nước tăng lực làm tăng nguy cơ người dùng tham gia các hành vi mạo hiểm và cần cấp cứu hơn những người uống cùng mức cồn đó nhưng không có caffeine.

Do đó, tốt nhất bạn không nên trộn rượu với nước tăng lực. Trong trường hợp không thể không uống hỗn hợp này, bạn cần chú ý theo dõi lượng mình và bạn bè uống, chọn loại nước tăng lực có mức caffeine và đường thấp, trước khi uống nên lót dạ bằng những thực phẩm giàu chất béo tự nhiên và carbohydrates như cá hồi, quả bơ, mỳ Ý, khoai tây...

Ngoài nước tăng lực, mọi người mọi người pha rượu bia với nước ngọt, trái cây để giảm độ cồn và hạn chế cơn say. Tuy nhiên, hầu hết đều pha rượu theo cảm tính, không dựa trên tỷ lệ khoa học.

Rượu pha nước trái cây
Pha rượu với những loại nước có ga, bia, caffein, hoa quả công nghiệp... thì rất có hại cho sức khỏe.

Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thùy Linh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng pha trộn rượu với các loại hoa quả tươi có nguồn gốc rõ ràng như mận, táo, nho, không ảnh hưởng nhau. Pha rượu với những loại nước có ga, bia, caffein, hoa quả công nghiệp nhiều phẩm màu... thì rất có hại cho sức khỏe.

Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP HCM, rượu giàu calo (7calo/g) còn hàm lượng của caffeine trong các thức uống 35-200 mg. Khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích tăng cao do nước là dung môi làm hòa tan nhiều thành phần hoạt chất. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với thức uống thông thường.

Uống rượu pha bia khiến lượng cồn nhanh chóng được hấp thu vào máu dưới tác động của các hương liệu, phụ gia và những chất khác biệt. Do đó khi uống rượu pha, cơ thể có cảm giác hưng phấn, dễ bị say nhưng lại gây mệt mỏi, uể oải khi thức dậy. Lạm dụng rượu pha còn làm suy yếu sức khỏe, gây mệt mỏi, trầm cảm thậm chí là nghiện rượu.

Nước ngọt có gas hay soda chứa nhiều CO2, khiến quá trình hấp thu cồn nhanh hơn làm bạn đau đầu, chóng mặt. Ethanol có hại cho não bộ, suy giảm trí nhớ, kém linh hoạt, giảm thông minh, thậm chí mất ý thức khi uống quá nhiều. Kết hợp rượu và nước ngọt cũng làm giãn mạch máu ở da nhưng lại gây co mạch ở các phủ tạng sâu khác dẫn đến huyết áp cao đột ngột, có thể tử vong.

Cập nhật: 24/06/2019 Theo Zing
  • 54
  • 3.075