Sao chổi có gây ra tuyệt chủng ở châu Mỹ cổ đại không?

  •  
  • 2.070

Tranh luận đang nóng lên xung quanh một giả thuyết gây tranh cãi rằng vụ va chạm rất mạnh với sao chổi khiến cho các loài động vật có vú to lớn ở Bắc Mỹ tuyệt chủng cách đây gần 13.000 năm.

Giả thuyết lần đầu tiên được đưa ra vào tháng 5-2007 này cho rằng sự tấn công dữ dội của những vật thể ngoài trái đất gây ra tuyệt chủng hàng loạt được biết dưới tên sự kiện Younger Dryas và gây ra thời kỳ nhiệt độ hạ thấp. Giả thuyết này gây tranh luận rộng rãi kể từ lúc nó được đưa ra, nhưng nó đã thu hút thêm sự quan tâm tại buổi họp thường niên của Cộng đồng Khảo cổ Mỹ ở Vancouver, Canada tháng 3.

Stuart Fiedel thuộc Louis Berger Group, một công ty khảo cổ tư nhân tại Richmond, Virginia, tranh luận rằng giả thuyết không thể giải đáp những câu hỏi quan trọng – ví dụ như làm thế nào vụ va chạm với sao chổi giết chết loài ma-mút và mèo răng kiếm ở Bắc Mỹ trong khi loài người không bị ảnh hưởng.

“Nếu ảnh hưởng này đủ mạnh để quét sạch ma-mút, voi răng mấu, gấu mặt ngắn và những hệ động thực vật lớn khác hiện diện trên vùng đất này, bạn sẽ nghĩ rằng nó cũng tàn sát cả loài người – không chỉ qua sốc nhiệt trực tiếp mà còn cướp mất nguồn thực phẩm của họ.”

“Vì vậy phải có sự sụt giảm đáng kể hoặc sự tận diệt loài người và chúng ta không nhận thấy điều đó. Cơ bản, phán đoán phải dựa vào việc liệu điều này có khả dĩ hay không khi đối chiếu trên dữ liệu và ngược lại. Hiện tại tôi không cho rằng nó giải thích được một số điều hiển nhiên.”

Ảnh minh họa một chú voi ma-mút và voi răng mấu. Tranh luận đang nóng lên xung quanh một giả thuyết cho rằng vụ va chạm rất mạnh với sao chổi đã quét sạch những loài động vật có vú to lớn ở Bắc Mỹ cách đây gần 13.000 năm. (Ảnh: Raul Martin/NGS)

Bí ẩn hiện tượng hạ nhiệt toàn cầu

Bất kể nó xảy ra như thế nào, các chuyên gia đồng ý rằng trái đất chịu một cú va chạm khá mạnh cách đây khoảng 12.900 năm. Thế giới đang giữa giai đoạn băng tan của kỷ băng hà cuối cùng, khi sự kiện Younger Dryas khó hiểu đưa trái đất trở lại nhiệt độ gần điểm băng. Thời kỳ dị thường này kéo dài khoảng 13.000 năm.

Một giả thuyết được chấp nhận rộng rãi là các tảng băng trôi tan chảy và hồ băng cách đây 12.000 năm đổ quá nhiều nước từ băng vào các đại dương đến nỗi nó can thiệp vòng tuần hoàn đại dương. Điều này làm lạnh phần lớn trái đất, đặc biệt ở Bắc bán cầu.

Cũng trong khoảng thời gian này, những động vật có vú cơ thể lớn bao gồm voi ma-mút, voi răng mấu, ngựa, lạc đà và mèo răng kiếm bị tuyệt chủng ở Bắc Mỹ. Các giả thuyết trước đó cho rằng con người sơ khai đã khai tử những động vật lớn khi săn bắt quá mức, kéo dài.

James Kennett, nhà địa chất học tại ĐH California, Santa Barbara, là một trong những người đề xuất ra giả thuyết va chạm sao chổi. Ông cho rằng giả thuyết này thống nhất với việc giải thích và liên kết những sự kiện khác nhau. “Chúng tôi cho rằng nó là một chuỗi các vụ nổ trên không, như sự kiện Tunguska liên tiếp… như nổ một khẩu súng săn.” Ông nhắc đến vụ nổ các vật thể ngoài trái đất trên vùng Siberia vào năm 1908. Điều đó cũng giải thích cho các vệt cháy trên vạt cỏ ở Bắc Mỹ. Kennett và cộng sự phát hiện ra vô số các phân tử kim cương và từ tính hiện diện khắp nơi trong lớp đất có niên đại từ thời này.

“Những đặc tính trên được hình thành trong môi trường cực kỳ nóng và áp suất cao do một loạt các vụ nổ gây ra. Rõ ràng đây là một giả thuyết khó chấp nhận, theo nghĩa nó không được dự đoán trước. Nhưng tất cả những gì tôi có thể nói là tôi không biết đến bất kỳ quá trình nào có thể chịu trách nhiệm cho nhiều dữ liệu mà chúng tôi đã và vẫn tiếp tục có hơn là một vụ va chạm ngoài trái đất.”

Câu đố Nam Mỹ

Trong bài phê bình của Fiedel về giả thuyết, ông cũng đưa ra bằng chứng khảo cổ mà ông cho là không thống nhất với giả thuyết sao chổi. “Rõ ràng thiếu sự đồng bộ với những gì diễn ra ở Nam Mỹ”

Xác định niên đại bằng cacbon phóng xạ và những dữ liệu khác cho thấy hệ động thực vật khổng lồ ở Nam Mỹ sống sót qua hàng thế kỷ sau khi người anh em phía bắc bị quét sạch. “Bạn phải thắc mắc loại va chạm nào yếu dần trước khi nó đến Mexico và không ảnh hưởng gì nhiều lên Nam Mỹ.”

Kennett đồng ý điều này được xem như thiếu nhất quán. “Nam Mỹ là điểm kiểm định giả thuyết quan trọng.” Tuy nhiên, ông tranh luận rằng thời điểm tuyệt chủng ở miền bắc và miền nam được dựa vào kỹ thuật cacbon phóng xạ có thể xem như thống nhất, với điều kiện có sai sót khít khao. Ông cho biết thêm nhiều dữ liệu cần được thu thập từ các khu vực này để hiểu rõ hơn thời điểm tuyệt chủng chính xác ở Nam Phi.

Thách thức về mặt xác định niên đại

Gary Haynes là nhà nhân chủng học tại ĐH Nevada, Reno. Ông cho biết ông không chắc dữ liệu cacbon phóng xạ có thể giúp trả lời được những câu hỏi này. Sự gia tăng CO2 trong bầu khí quyển trong suốt sự kiện Younger Dryas được cho là khiến việc xác định niên đại cacbon phóng xạ từ thời kỳ này không chính xác. “Rất khó khăn nếu muốn quyết định chắc chắn. Vì vậy không thể nói về nguyên nhân dựa trên những chứng cớ mơ hồ đó.”

Về phía mình, Kennett cho biết giả thuyết này vẫn còn nằm trong giai đoạn đầu. Hiện tại, chỉ có một bài nghiên cứu học thuật về giả thuyết trên được xuất bản. Kennett cho biết nhiều hơn nữa nằm trong công trình dựa trên dữ liệu cộng thêm và phân tích mà ông và cộng sự đã thực hiện trong suốt năm vừa qua.

Đây là nhóm đầu tiên từng thực hiện việc kiểm chứng khả năng va chạm ngoài hành tinh vào thời điểm tuyệt chủng hệ động thực vật một cách hệ thống. Vì vậy, về mặt cơ bản chúng ta đang trong quá trình kiểm định giả thuyết. Điều này sẽ mất thời gian.”

Tuệ Minh (Theo National Geographic)
  • 2.070